Để xiếc Việt có thêm những Quốc Cơ, Quốc Nghiệp…
(Thethaovanhoa.vn) - Cùng một tuần, hai sự kiện liên quan tới xiếc đang diễn ra trong đời sống văn hóa của chúng ta.
Đầu tiên, ngày 5/12, Tổ chức kỷ lục Guinness Thế giới thông báo cặp anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vừa xác lập kỷ lục mới với màn trình diễn xiếc chồng đầu tại Italy. Chỉ trong gần 54 giây, anh em "Hoàng tử xiếc" đã biểu diễn màn bịt mắt chồng đầu, đi xuống và đi ngược lên 10 bậc thang liên tục.
Song song với thời điểm ấy, Liên hoan Xiếc toàn quốc đã diễn ra từ ngày 4/12 tại Hà Nội (và vừa kết thúc vào tối qua 10/12). Đó là liên hoan được tổ chức sau 12 năm gián đoạn, kể từ năm 2006 tại Huế.
Trong 12 năm ấy, thẳng thắn, xiếc Việt quả thật có đời sống khá èo uột và không được khán giả trong nước chú ý.
Và không chỉ có khán giả. Cũng trong năm 2018 này, khi anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp nổi tiếng khắp thế giới nhờ màn diễn trong phần thi chung kết Britain's Got Talent 2018, nhiều người mới giật mình nhận ra: các nghệ sĩ xiếc Việt đa phần chỉ tỏa sáng ở nước ngoài- trong khi “sân nhà” đang bỏ ngỏ.
Thực tế, những giải thưởng mà cặp anh em này nhận về đa phần là các danh hiệu quốc tế - trong khi thời lượng biểu diễn của họ tại Việt Nam không thể nhiều bằng những đợt lưu diễn nước ngoài. Xa hơn, trước Cơ - Nghiệp, câu chuyện của những Làng tôi, À Ố Show, Sông trăng… cũng tương tự: thành công khi lưu diễn quốc tế (hoặc phục vụ khách nước ngoài tới Việt Nam) hơn là tại thị trường quốc nội.
Thậm chí, khi Liên hoan Xiếc toàn quốc chưa được tổ chức tiếp, nhiều tiết mục xiếc Việt cũng gặt hái được kha khá thành tích quốc tế - khi nhiều tiết mục của Liên đoàn Xiếc VN và Nhà hát thể nghiệm (Trường Trung cấp NT xiếc và Tạp kỹ VN) giành giải cao tại Nga, Pháp, Thụy Sĩ, Cuba, Tây Ban Nha, Trung Quốc…
***
Không khó để tìm lời giải cho thực trạng ấy - khi mà xiếc Việt Nam đang găp cảnh vất vả tứ bề, cả về khán giả, cơ sở vật chất và đào tạo trẻ.
Đơn cử, tại 2 đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, các sàn diễn chuyên nghiệp cho nghệ thuật xiếc vẫn quá ít. Để rồi, trong cách nghĩ mặc định của nhiều người, những rạp xiếc “bao cấp” chỉ được nhắc tới vào các dịp lễ tết của thiếu nhi, khi cha mẹ tìm nơi giải trí cho con.
Thiếu điểm diễn, khán giả không có thói quen tới rạp, một cách tự nhiên, các nghệ sĩ theo đuổi loại hình đặc thù này phải rất chật vật để sống được với nghề. Và như thống kê từng được đưa ra: lương của các nghệ sĩ xiếc trẻ hiện chỉ ở mức khoảng… 2 triệu đồng/tháng, trong khi những nghệ sĩ lớn tuổi hơn cũng chỉ đạt được từ 3 -5 triệu đồng trong những tháng không phải mùa cao điểm. Khoản thu ấy, tất nhiên là quá ít với một nghề phải đào tạo công phu, chỉ kéo dài tuổi nghề từ 10- 20 năm và luôn tiềm ẩn những tai nạn nghệ thuật như xiếc.
Bởi thế, trong cuộc tọa đàm về nghề tại LH Xiếc vừa qua, đã có chuyên gia chua chát nói vui rằng đa phần nghệ sĩ xiếc Việt Nam không chết đói, nhưng phải chịu cảnh “đói đến chết”. Bởi thế, ngành xiếc mới có những câu chuyện xót xa, khi NSND Tạ Duy Ánh (giám đốc Liên đoàn Xiếc VN) kể rằng ông ứa nước mắt khi thấy các em diễn viên trẻ phải ăn một bát mì “không người lái” rồi nhào lộn liền ba, bốn vòng - hoặc như lời kể của một diễn viên xiếc 30 tuổi rằng đi khám bệnh, bác sĩ nhìn phim khẳng định anh đang mang hệ xương đã lão hóa của một người ở tuổi 50.
Quốc Cơ - Quốc Nghiệp và một số nghệ sĩ khác chỉ là những trường hợp hiếm hoi vượt lên được mặt bằng chung ấy bằng nghị lực và tài năng của mình. Trong khi đó, nhiều chuyên gia vẫn luôn khẳng định: xiếc Việt không thiếu tài năng thiên phú, vấn đề còn lại chỉ là cách để “khai thông” nguồn nội lực ấy.
Có nghĩa, muốn xiếc Việt có thêm những Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, chúng ta phải giải những bài toán đa chiều cả về đào tạo, cơ sở vật chất và khán giả. Và tất nhiên, không thể bỏ qua cơ chế đặc biệt để tạo thuận lợi cho những nghệ sĩ theo đuổi môn nghệ thuật đầy cực khổ này.
Sơn Tùng