Để văn hóa là nguồn lực quan trọng của Hà Nội
Ngày 21/3 tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học cấp thành phố với chủ đề Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Hội thảo góp phần nhận diện, tiếp tục làm rõ thêm nội hàm của văn hiến - văn minh - hiện đại cũng như các ý tưởng gợi mở để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Hướng đến triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hội thảo nhằm phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Đồng thời kết hợp với các nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Hội thảo được UBND thành phố Hà Nội giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, cùng các đơn vị có liên quan thực hiện.
Quy tụ nhiều chiều trí tuệ về văn hóa
Tại họp báo về việc tổ chức hội thảo, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho biết hội thảo hướng đến 3 mục đích chính. Thứ nhất, xác định rõ nội hàm, đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; vấn đề khoa học và thực tiễn về các nội dung văn hiến, văn minh, hiện đại trong quá trình phát triển Thủ đô. Qua đó, đề xuất các giải pháp phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Thứ hai, nghiên cứu, tiếp tục làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn trong huy động, sử dụng, phát huy nguồn lực giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời là việc định hình về triết lý phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ ba, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển Hà Nội.
Bà Diễm Hằng cũng cho biết thêm, hội thảo dự kiến có sự tham dự của gần 300 đại biểu từ trung ương đến địa phương; UBND các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức chính trị - xã hội; các doanh nghiệp; các đơn vị của thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, hội thảo mời một số chuyên gia quốc tế có nhiều nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Ví dụ sử gia Philippe Papin, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học tại Trường Cao học Thực hành Paris (EPHE, Pháp), giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội; GS Momoki Shiro (Đại học Quốc gia Osaka, Nhật Bản), giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Đến nay, hội thảo đã có nhiều tham luận chất lượng đến từ các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín. Ví dụ GS-TS Phùng Hữu Phú, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, GS-TS Đặng Cảnh Khanh, PGS-TS Nguyễn Chí Mỳ, PGS-TS Đặng Văn Bài… Chưa kể, hội thảo cũng thu hút tham luận của nhiều nhà nghiên cứu trẻ, các giảng viên trẻ ở các trường đại học, cũng như các doanh nghiệp, các hiệp hội. Với sự quy tụ này, hội thảo mong muốn được lắng nghe tất cả những trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, nhân dân.
Kỷ yếu hội thảo dày 650 trang, với hơn 70 bài tham luận chất lượng, giàu tính khoa học, với các tiếp cận và nhìn nhận đa chiều về văn hóa Thăng Long - Hà Nội; nhiều bài viết thể hiện tính khoa học, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đề cao tính khoa học, chú trọng trao đổi mở
Từ cách tiếp cận về nguồn lực văn hóa và những giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, hội thảo sẽ tập trung làm rõ 4 nội dung lớn, bao gồm: Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại; nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Hà Nội - Thủ đô di sản, thành phố sáng tạo, khát vọng phát triển; các điều kiện, nhiệm vụ, giải pháp huy động nguồn lực để phát triển Hà Nội.
Ban tổ chức kỳ vọng kết quả hội thảo sẽ là một trong những căn cứ khoa học để các cấp, các ngành của thành phố cụ thể hóa chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, về xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Mặt khác, hội thảo cũng mong muốn và hy vọng khơi dậy niềm tự hào trong thế hệ những người Hà Nội hôm nay.
Phát biểu tại họp báo, ông Hà Minh Hải (Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) nhấn mạnh: Đây là hội thảo để chúng ta lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trên địa bàn Hà Nội và cả nước để cùng nhau xây dựng Thủ đô với tinh thần văn hiến - văn minh - hiện đại.
"Chúng tôi xác định đây là một hội thảo khoa học thực thụ, ngoài các tham luận, sẽ có những trao đổi, thảo luận. Qua hội thảo, thành phố mong muốn lắng nghe tất cả những ý kiến nhiều chiều để chúng ta hiểu sâu sắc hơn những nội hàm về văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại, đặc biệt là văn hóa Thăng Long - Hà Nội, từ đó vừa triển khai tổ chức, vừa tuyên truyền lan tỏa những nội dung của hội thảo" - ông Hải nói - "Hội thảo được xác định là hoạt động mở. Những ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ là tiền đề để chúng ta tiếp tục triển khai những nội dung khác về xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại".
Trưng bày các "đặc sản" truyền thống của Thăng Long - Hà Nội
Nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội, trong khuôn khổ hội thảo sẽ tổ chức không gian trưng bày một số sản phẩm nghề truyền thống đặc trưng của Hà Nội nhưgỗ mỹ nghệ, khảm trai, gốm Bát Tràng, tranh Hàng Trống...
Ngoài ra, còn có không gian trưng bày các ấn phẩm văn hóa của Thủ đô Hà Nội; không gian trưng bày các mũi tên đồng khai quật từ thành Cổ Loa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia; trình bày và trình diễn bộ sản phẩm mô phỏng nỏ thần của An Dương Vương.