Để phố sách thật sự là 'phố sách'
(Thethaovanhoa.vn) - Sau rất nhiều nỗ lực, phố sách Hà Nội đã được khởi công và dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 4/2017. Theo đó, không gian tại trục phố 19 tháng 12 sẽ được quy hoạch để trở thành tuyến phố đi bộ hằng ngày, từ 8 giờ sáng tới 22 giờ đêm.
Phát triển văn hóa đọc, chứ không phải chỉ dành cho việc mua bán sách đơn thuần. Bởi, để đáp ứng chuyện mua bán ấy, Hà Nội đã có phố sách "tự phát" Đinh Lễ - Nguyễn Xí, cũng như hàng chục quầy sách đang nối nhau phát triển tại đường Láng, Cầu Giấy hay khu vực quanh các trường Đại học.
Nói cách khác, nếu vẫn chỉ dừng lại ở việc mua bán sách hoặc văn hóa phẩm, phố sách Hà Nội rõ ràng sẽ gây thất vọng với độc giả, với cộng đồng xuất bản tại Thủ đô và cả những nhà quản lý đã nỗ lực xây dựng nó.
***
Theo quy hoạch, rất nhiều tiện ích sẽ được bố trí tại không gian của phố sách sắp hình thành. Đó là gần 20 quầy sách được bố trí hai bên đường với thiết kế bắt mắt, là quảng trường nhỏ tại trung tâm, là hệ thống cây xanh và ghế nghỉ, là wifi miễn phí và những cây thông tin điện tử được đặt 2 đầu phố,để du khách tra cứu thông tin hoặc chủ động mua ebook cho mình.
Phố sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) là một gợi ý cho Hà Nội
Nhưng, nỗ lực của phía tổ chức cũng chỉ có thể dừng tại đó. "Phần cứng" được chuẩn bị rất chu đáo ấy cũng không thể thay thế cho "phần mềm" là những hoạt động tự thân tại không gian đặc biệt này. Giống như một nguyên tắc mà nhiềuquy hoạch sư đã chỉ ra: một không gian dành cho cộng đồng không thể thành công chỉ bằng kiến trúc bên ngoài, mà luôn phụ thuộc vào những hoạt động để "nuôi dưỡng" nó.
Mà, thẳng thắn, phố sách "19 tháng 12" tuy nằm ở trung tâm Hà Nội nhưng vẫn có nhiều thua thiệt so với "phố sách" tự phát tại Đinh Lễ. Không gian đang được xây dựng này không nằm cạnh Hồ Gươm, không quá gần những trung tâm du lịch như phố cổ. Và thậm chí, hạn chế cả về hệ thống bãi gửi xe, cũng như những luồng giao thông bộ hành để du khách tiếp cận một cách dễ dàng.
***
Vậy, điều gì sẽ quyết định thành công của phố sách "19 tháng 12" trong tương lai?
Đó phải là nỗ lực của các đơn vị xuất bản có mặt tại đây,với các hoạt động ra mắt sách, giao lưu tác giả - độc giả, tọa đàm hay tổ chức sự kiện. Bởi, như các chuyên gia nhận xét, nếu khu vực Đinh Lễ - Nguyễn Xí gắn với hoạt động đặc thù của ngành phát hành, thì phố sách "19 tháng 12" lại gắn với chính "bộ mặt" của giới xuất bản.
Đó phải là nỗ lực để tạo sự kết nối giữa phố sách với các đơn vị giáo dục,với học sinh, sinh viên và các độc giả tiềm năng. Bởi, rất nhiều người làm sách cũng đã nhắc tới ý tưởng đưa học sinh Hà Nội tới không gian này để giáo dục về văn hóa đọc, để hướng dẫn cách đọc sách, cách phân loại, cách tra cứu danh mục tài liệu hay thậm chí là những quy trình cơ bản để xuất bản một cuốn sách.
Và có lẽ, đó cũng phải là sự chọn lọc của phía tổ chức để phố sách bớt đi những gian hàng theo kiểu "cúng cụ", là những hỗ trợ tích cực (đôi khi chỉ cần về cơ chế hoạt động) cho các đơn vị làm sách. Bởi khi đã ý thức được phố sách là nơi tạo dựng thương hiệu và uy tín cho mình, yếu tố thương mại sẽ không còn là sự chi phối tuyệt đối trong hoạt động của các nhà sách có mặt tại đây.
Đã cố gắng để tạo dựng một phố sách tại Hà Nội, chúng ta hãy cùng cố gắng tiếp, để nơi ấy được là một không gian dành cho văn hóa đọc theo đúng nghĩa.
Nguyễn Thị Thanh Hằng
(Bộ môn Ngoại ngữ, Học viện Hành chính Quốc gia)
Thể thao & Văn hóa