Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng: Tiền đề đưa du lịch thành ngành mũi nhọn
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, tại tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh; hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp.
Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao...
Đây không phải lần đầu tiên Sóc Trăng họp bàn về đề án phát triển du lịch tỉnh nhà. Tại cuộc tọa đàm khoa học “Thực trạng, tiềm năng và định hướng du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025” diễn ra đầu năm 2021 đã đánh giá khái quát thực trạng và hình thành ý tưởng phát triển du lịch của tỉnh và tiếp nhận các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các sở, ban ngành tỉnh và địa phương để định hướng triển khai đề án.
Sóc Trăng được nhận định thuận lợi về vị trí địa lý, bản sắc văn hóa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, sự giao thoa về văn hóa đã tạo cho Sóc Trăng có bản sắc riêng, phong phú và đa dạng, tất cả đều có thể khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch của tỉnh. Ngoài loại hình du lịch truyền thống như loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về nguồn, gần đây có sự xuất hiện về loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, đang nhận được sự quan tâm của các công ty lữ hành và du khách. Các cơ sở lưu trú du lịch được quan tâm đầu tư mới và nâng cấp sửa chữa. Các điểm dừng chân của tỉnh ngày càng thu hút khách đến mua sắm hàng đặc sản và sản phẩm địa phương, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng có sự quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng và chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư các dự án về du lịch. Nhờ vậy, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư như các dự án: Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành; Khu văn hóa tín ngưỡng Hồ Bể, thị xã Vĩnh Châu; bên cạnh đó, lãnh đạo cũng đề xuất các địa phương cần quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động điểm đến, gắn các câu chuyện hay truyền thuyết điểm đến nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ; tạo sự gắn kết thành chuỗi điểm đến giữa các địa phương, trở thành tour, tuyến chất lượng; phát huy và nâng cấp các sản phẩm phẩm OCOP để làm sản phẩm quà tặng cho khách du lịch đến Sóc Trăng...
Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng có nhiều bước chuyển mới, vươn xa tới thị trường các tỉnh miền Trung, miền Bắc, hình thành nhiều sản phẩm, mô hình du lịch mới phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế đặc trưng của tỉnh.
Nắm bắt được xu thế phát triển, một số doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cơ sở lưu trú du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 160 cơ sở lưu trú, trong đó có 69 cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng, gồm 01 khách sạn 03 sao, 11 khách sạn 02 sao, 21 khách sạn 01 sao và 36 nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, với hơn 1.400 phòng. Một số khách sạn được xây dựng mới theo hướng đạt chuẩn từ 02 đến 03 sao như khách sạn SatracoRoyal (khu vực nhà hàng chùa Dơi), khách sạn Quê Tôi, với quy mô 115 phòng. Đồng thời, nhiều loại hình homestay (loại hình du lịch nghỉ, ngủ tại nhà người dân địa phương), farmstay (du lịch kết hợp nông trại) bước đầu đang hình thành, phát triển, thu hút được sự chú ý của nhiều đơn vị lữ hành và khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như Zivuu Homestay (phường 10, TP. Sóc Trăng), Sân Tiên Farmstay (xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung), Homestay của gia đình bà Đinh Thị Trí (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung)...
- Phong tục - Lễ hội độc đáo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng
- Sóc Trăng: Đa dạng tiềm năng phát triển du lịch
Kết thúc cuộc họp, Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời cần hội ý với các sở, ngành có liên quan và địa phương có địa bàn trọng điểm phát triển du lịch thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để xây dựng đảm bảo hình ảnh, uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Sóc Trăng.
Được biết, Đề án sẽ được hoàn thiện để thông qua Ban Cán sự Đảng trong thời gian tới.
Thảo Nhi