Đề án Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam gặp khó vì kinh phí
(Thethaovanhoa.vn) - Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 hay còn gọi là đề án 641 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 28/4/2011 và đây là cơ sở lớn nhất để hy vọng cải thiện tầm vóc người Việt Nam sẽ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, việc triển khai đề án này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, theo những chia sẻ của ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án 641, với Thể thao & Văn hóa trong ngày 4/2.
* Thưa ông Lâm Quang Thành, việc triển khai đề án 641 đã và đang diễn ra như thế nào?
- Ngay sau khi đề án được phê duyệt, các hoạt động của 4 chương trình đã được tiến hành theo lộ trình cụ thể như kế hoạch đã được thông qua. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, khó khăn nhất là việc đảm bảo kinh phí cần thiết cho công tác nghiên cứu để xây dựng theo chương trình hoạt động đã được duyệt.
Đề án này có tổng mức kinh phí dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng nhưng trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm một phần (khoảng hơn 500 tỷ đồng), số còn lại sẽ huy động từ các nguồn xã hội hóa trong khoảng thời gian từ nay cho đến năm 2030.
Để khắc phục khó khăn này, Ban chủ nhiệm chương trình cùng với ngành TDTT hiện đã vận động nguồn xã hội hóa, kết hợp cùng với các địa phương tháo gỡ và vận dụng một số nghiên cứu khoa học từ trước như xây dựng thẻ điện tử cho học sinh, in ấn tài liệu hướng dẫn…
Nhưng rõ ràng, việc chưa có kinh phí và kinh phí được cấp rất hạn chế đang tác động phần nào tới chất lượng triển khai đề án.
* Việc đề án chưa được cấp kinh phí là do vướng mắc ở khâu nào, thưa ông?
- Hiện tại Ban điều phối đã hoàn thành dự thảo Thông tư Hướng dẫn quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 641, song vẫn chưa được Bộ Tài chính chính thức phê duyệt và ban hành. Vì thế, toàn bộ kinh phí cho việc nghiên cứu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đề án đều chưa có. Lúc này, chúng tôi hi vọng rằng, trong thời gian sắp tới, thông tư hướng dẫn sẽ được phê duyệt sớm nhất để việc triển khai đề án thuận lợi hơn.
* Tính đến thời điểm này, Đề án 641 đã trải qua gần 4 năm và việc đánh giá chất lượng hiệu quả của đề án đang được tiến hành như thế nào?
- Việc đánh giá chất lượng hiệu quả của đề án được thực hiện theo từng giai đoạn và trong 3 năm đầu tiên thì chưa đặt mốc chỉ tiêu về chiều cao cũng như tầm vóc và thể lực, mà các tiêu chí này sẽ được đánh giá cụ thể vào năm 2020. Trong năm 2015, Ban điều phối sẽ đánh giá về kết quả xây dựng tiêu chí và kế hoạch cụ thể của cả 4 chương trình.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Các chương trình của Đề án 641 Chương trình 1: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam. - Nhiệm vụ: Xây dựng các chỉ số sinh học và các tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc; đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Chương trình 2: Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan. - Nhiệm vụ: Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi. Chương trình 3: Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi. - Nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng giờ học thể dục chính khóa; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa, hướng dẫn học sinh tự luyện tập thể dục thể thao để tăng cường thể lực, cải thiện chiều cao thân thể. Chương trình 4: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. - Nhiệm vụ: thông tin, giáo dục, truyền thông, tiếp thị xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi xã hội và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong các hoạt động của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. * Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là cải thiện chiều cao trung bình đối với nam 18 tuổi là cao 167cm vào năm 2020 và cao 168,5cm vào năm 2030. Đối với nữ 18 tuổi, chiều cao trung bình 156 cm vào năm 2020) và cao 157,5 cm vào năm 2030. |
Phúc Hưng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa