Đây mới thực sự là cách giáo dục đau đớn nhất
Đau đớn hơn cả đánh mắng, cách giáo dục mà nhiều cha mẹ vẫn thường áp dụng đang dần huỷ hoại tài năng và sự tự tin của trẻ một cách vô hình. Trẻ em như một tờ giấy trắng. Tương lai của trẻ phụ thuộc phần lớn vào cách giáo dục của cha mẹ.
Ngày nay nhiều cha mẹ có cách dạy con phản khoa học, khiến quan hệ giữa người lớn và trẻ bị ảnh hưởng. Không những thế, cách giáo dục độc hại còn khiến trẻ không phát huy được điểm mạnh của bản thân.
Thực tế, không ít bậc cha mẹ vô tình thực hiện cách giáo dục ''đàn áp'' con cái dưới khẩu hiệu tốt cho con, thương con. Khi con cái cần sự động viên, khích lệ, nhiều bậc cha mẹ lại buông lời mỉa mai, châm chọc, không chút an ủi. Họ cho rằng "đàn áp" con như vậy vì muốn có lợi cho con. Tuy nhiên những bậc phụ huynh này lại không hay biết rằng mình đang huỷ hoại tài năng, sự tự tin của con một cách vô hình.
Giáo dục ''đàn áp'', bạn có đang thực hiện điều này với con của mình?
''90 điểm? Hãy đến và khoe với mẹ khi nào con được 100 điểm trong bài kiểm tra!''.
''Bỏ ra số tiền này cho con thật là lãng phí''.
''Mẹ đã làm việc chăm chỉ cho con''.
Những câu nói trên chắc hẳn quen thuộc với nhiều bậc cha mẹ. Bất kể khi nào con có ý tưởng hay quyết định mới muốn thảo luận cùng bố mẹ với tinh thần phấn chấn, điều chúng nhận được lại là áp lực và sự chế giễu.
Trong một chương trình dạy con gần đây ở Trung Quốc, một người mẹ đã gây tranh cãi dữ dội khi bắt cậu con trai làm tới 376 bài kiểm tra chỉ trong hơn 1 tháng nghỉ đông. Cụ thể, người mẹ đã bắt cậu con trai 7 tuổi hoàn thành: 270 bài thi, 7 câu hỏi lớn, 50 trang tự luận, trong 7 câu hỏi lớn lại có thêm nhiều câu hỏi nhỏ, tổng cộng là 376 bài.
Và tất nhiên cậu bé đã chăm chỉ và hoàn thành hết số lượng bài tập một cách xuất sắc. Ngay cả một người giỏi như cậu bé song triết lý giáo dục của mẹ cậu vẫn là: ''Tôi không dám khen con mình bởi sợ rằng cậu bé sẽ bị ảo tưởng về khả năng của mình. Chính vì vậy tôi vẫn nói với con là chưa tốt''.
Trước sự phủ nhận khả năng và sự kỳ vọng quá cao của mẹ, cậu bé đã trở nên tự ti, bất an và ngại thể hiện bản thân trước các bạn cùng lớp. Thậm chí cậu bé chỉ làm theo những yêu cầu và che giấu cảm xúc của bản thân để lấy lòng mẹ.
Điều này khiến nhiều người đăt câu hỏi: Chính xác thì cách giáo dục "đàn áp" mang lại điều gì cho trẻ?
Dẫu luôn cho rằng "Tôi làm vậy để tốt cho con'' song thực tế sự đàn áp và phủ nhận không phải là tình yêu thương. Đó là cách giáo dục làm tổn thương con trẻ nhân danh tình yêu. Không chỉ khiến rạn nứt tình cảm cha mẹ và con cái, điều này còn làm tổn thương lòng tự tin và hy vọng của trẻ.
Giáo dục ''đàn áp'' nhân danh tình yêu thương thực sự là một hình thức trừng phạt thể xác lẫn tinh thần. Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát năm 2006. Trong số những người trẻ tuổi từ 18-35, 90,6% số người được hỏi thừa nhận rằng họ được cha mẹ giáo dục họ bằng những lời mỉa mai. 59,7% số người được hỏi tin rằng giáo dục bằng cách đàn áp sẽ khiến trẻ thiếu tự tin và dễ bị phủ nhận về bản thân.
Tại sao những lời nói đơn giản của cha mẹ lại có thể gây ra nhiều tổn thương đến con trẻ?
Có một khái niệm trong tâm lý được gọi là kỳ vọng tích cực. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn con mình tốt hơn, hãy tiếp tục động viên và khẳng định những gì chúng đang có. Chắc chắn con sẽ phát triển theo hướng bạn mong đợi.
Ngược lại, nếu bạn đưa ra cho trẻ những gợi ý tiêu cực và cứ kìm nén và phủ nhận thành quả chúng làm được. Theo thời gian, trẻ sẽ phát triển hướng mất kiểm soát. Vì thế nuôi dạy con theo kiểu ''đàn áp'' không phải là giáo dục. Đây thực sự là một kiểu trừng phạt tinh thần với con cái.
Tưởng chừng những lời chê bai, miệt thị của cha mẹ có thể khiến trẻ trở nên tốt hơn. Trên thực tế, những câu nói đó lại trả giá bằng việc huỷ hoại lòng tự trọng của trẻ. Thậm chí nó còn có thể khiến trẻ rơi vào trầm cảm.
Dẫu giành được nhiều giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước, nhưng khi nhắc về mẹ, đạo diễn nổi tiếng Khương Văn vẫn nói câu đầy đau xót và tiếc nuối: ''Trong đời tôi chưa một lần nhận được lời khen từ mẹ. Đây là điều đáng tiếc và buồn nhất trong cuộc đời tôi''.
Tưởng rằng không nguy hiểm như đánh đòn hay mắng mỏ, giáo dục ''đàn áp'' thực tế lại là một hình thức ''bạo lực vô hình''. Tưởng vô hình sẽ không nguy hiểm nhưng đây lại là cách giáo dục đau đớn.
Biến sự ''đàn áp'' thành cách khích lệ
Một nhà giáo dục nổi tiếng của Mỹ từng nói: ''Tôi không nghĩ ra cách giáo dục con cái nào tốt hơn bằng việc khen ngợi và động viên". Trên thực tế, một đứa trẻ có thể mạnh mẽ, bản lĩnh hay không phụ thuộc vào việc cha mẹ có dành đủ tình yêu thương cho con hay không. Điều này không có nghĩa phủ nhận giáo dục ''đàn áp'' là cha mẹ không yêu thương con. Tuy nhiên, kiểu yêu thương đó là sai sách. Thay vì nói những lời chê bai hay giễu cợt, bạn có thể yêu thương chúng bằng cách khuyến khích con nhiều hơn.
1. Quan tâm và tôn trọng
Trong bối cảnh tính sáng tạo và cá tính riêng của mỗi cá nhân ngày càng được đề cao, sự khác biệt của con trẻ cần được cha mẹ quan tâm để bồi dưỡng, phát huy năng lực kịp thời.
Người lớn chúng ta hãy xóa bỏ khái niệm "con nhà người ta". Trẻ con hay người lớn đều không thích cách so sách mình với bất cứ ai. Con nhà người ta chỉ có thể hiện lên cái hoàn hảo còn cái thiếu sót mấy ai biết được nên đừng cố tình dìm con mình vào hình ảnh con nhà ai đó. Con mình là con mình, chúng là những đứa trẻ độc lập, có suy nghĩ, có chính kiến, có sở thích, có ước mơ riêng. Chỉ là cha mẹ có biết khơi gợi những tiềm năng đó không mà thôi.
Đừng lúc nào cũng nghiêm khắc yêu cầu con "phải học", "phải đạt điểm cao", phải thế này, phải thế kia…hãy hỏi con những câu hỏi như "hôm nay ở lớp con có chuyện gì vui không?", "ngày cuối tuần con thích được làm gì?", "học nhạc cũng rất khó nhưng con thử khám phá tiềm năng của chính bản thân mình xem như thế nào", "mẹ nghĩ con chưa tập trung thôi, chứ nếu con mà tập trung thì kết quả sẽ rất khác, mẹ tin chắc chắn như vậy"… Hãy dành cho con những câu hỏi để tôn trọng con. Hãy nói với con những câu nói đầy khích lệ để con thấy rằng mình là người quan trọng và được bố mẹ tin tưởng. Hãy nói những câu khẳng định về thế mạnh của con để con không cảm thấy mất tự tin.
2. Khám phá và hỗ trợ
Theo Aboluowang nghiên cứu mới nhất về tâm lý học thành công cho rằng ngoài những yếu tố ngoại cảnh, chìa khoá để một người có thể thành công nằm ở việc xác định chính xác và phát huy hết sức mạnh bên trong.
Mỗi đứa trẻ đều có một điểm sáng riêng, điều cha mẹ nên làm là giúp con tìm thấy đam mê của chính mình. Đồng thời cha mẹ cần ghi nhận kịp thời khi con thể hiện tốt để phát huy tốt khả năng xuất sắc này.
Khi mới lên 6 tuổi, hoạ sĩ nổi tiếng Leonardo da Vinci đã không chú ý đến các bài giảng của cô giáo khi học trở trường. Thậm chí ông còn lén lút vẽ một bức ký hoạ cho giáo viên.
Sau khi trở về, ông đã khoe bức tranh đó với cha của mình. Ngạc nhiên, cha ông không những không giận mà khen bức tranh xuất sắc và quyết định trau đồi tài năng của con trong lĩnh vực này.
Cha của Da Vinci luôn tuân theo triết lý nuôi dạy con cái: Cho trẻ sự tự do để tự phát triển sở thích của mình.
- Mẹ dạy con trai lịch sự
- Ông chủ Facebook khoe ảnh dạy con gái tập bơi
- Robinho dạy con trai kỹ xảo trên sân bóng
3. Khen ngợi
Nhà tâm lý học David Elkind cho biết: ''Điều quan trọng nhất mà trẻ cần biết là chúng rất quan trọng đối với cha mẹ mình và dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, trẻ sẽ luôn được bao bọc bởi tình yêu yêu thương''.
Vì vậy các bậc cha mẹ đừng bao giờ nhân danh tình yêu thương mà làm hại đến con cái của mình. Yêu trẻ xin hãy nhớ: Khuyến khích nhiều hơn, ít phủ định đi; Khen ngợi nhiều hơn, xem thường ít hơn''.
Đinh Anh(Tổng hợp)