Dạy con - 'Nghề kiên nhẫn'
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 6, là tháng hành động vì trẻ em. Thông điệp được truyền đi trong tháng này chính là "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em".
Xem lại các con số thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì thấy rằng, chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so quý I/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi... Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng 45% so cùng kỳ năm 2021). Điều này chứng tỏ bạo lực trẻ em vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng tại nước ta.
“Dạy con từ thửa còn thơ…” hoặc là “Bé không vịn, cả gãy cành” là những câu ca dao, tục ngữ nói về tầm quan trọng của việc dạy dỗ con trẻ, chắc hẳn trong chúng ta nhiều người đã biết. Tuy nhiên, dạy con như thế nào, thì lại là câu chuyện dài tập, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nhân tố chính vẫn là bố mẹ. Việc trẻ có những phản kháng khi bị xúc phạm hoặc là bị áp đặt cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới bạo lực trẻ em.
Trong trí nhớ của mình, tôi vẫn không quên hình ảnh những người mẹ trẻ, những người bà một tay bế con, tay kia cầm bát cơm vừa đi vừa xúc cho chúng ăn. Gặp những đứa trẻ “biếng ăn”, người lớn thường nghĩ ra đủ mọi cách để “lừa” chúng, chẳng hạn “hù dọa” để chúng sợ mà há miệng; hay bày các trò tiêu khiển như cưỡi ngựa, làm xiếc, khua trống… để thu hút sự chú ý của chúng rồi tranh thủ đút đồ ăn thật nhanh. Có những đưa trẻ ở khu tập thể nơi tôi sống cho đến khi đã trưởng thành vẫn còn ám ảnh nỗi sợ “bác sĩ tiêm” vì nhiều năm liền bị “dọa” như vậy.
Nhiều cha mẹ có thói quen can thiệp vào mọi vấn đề trong cuộc sống của con, từ việc ăn gì, mặc thế nào, chơi với ai, học trường nào, đi làm ở đâu, thậm chí kết hôn với ai… Chúng không được hỏi ý kiến về rất nhiều thứ trong chính cuộc sống của mình. Con trai tôi kể rằng, ở lớp đa số các bạn không được bố mẹ ủng hộ việc đá bóng hoặc là chơi một môn thể thao nào đó trong suốt cả năm học. Đến khi nghỉ Hè thì lại đăng ký bắt con cái học thêm những thứ chúng không hề thích thú.
Con cái là món quà của trời cho, làm cha làm mẹ vừa là thiên chức cao quý nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao. Việc dạy dỗ con trẻ thì không thể chỉ trong ngày một ngày hai, mà cần cả một quá trình lâu dài. Những người làm cha làm mẹ vừa phải kiên nhẫn, đồng thời cũng phải nâng cao kiến thức của mình để bắt kịp với các giai đoạn trưởng thành của con.
- Tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình tại Việt Nam đang gia tăng
- Nhà văn Trang Hạ: ‘Bạo lực trẻ em phản ánh sự bất lực của người làm cha mẹ’
Phương pháp dạy trẻ nào cũng có những mặt tích cực, vấn đề là phải nắm bắt được tâm lý, tính cách của con, bởi “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Và cho dù thế nào đi chăng nữa thì phương pháp “thương cho roi cho vọt”, dùng những thức bạo lực thể xác hay tinh thần đều đã trở nên lạc hậu, cần phải xóa bỏ.
Và vấn đề căn bản nhất mà các bậc làm cha làm mẹ cần phải hiểu, đó chính là “con trẻ cuối cùng phải có cuộc sống riêng của chúng”.
Còn nếu như chúng ta tiếp tục theo cách “thương cho roi cho vọt”, can thiệp quá sâu vào các vấn đề trong cuộc sống của con sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con, khiến con mất tự tin, trở nên khép kín, ỷ lại. Như thế, câu chuyện này nếu nói theo ngôn ngữ của bác sĩ Leonard Sax, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục trẻ em, thì đó chính là “sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ”.
Quốc Thắng