Đầu năm, gặp nhà thơ Võ Quê nghe về Ca Huế
Thethaovanhoa.vn) - Ca Huế có tính bài bản, mang tính chất bác học do các nhạc sĩ, ông hoàng, bà chúa xưa soạn ra. Vì thế, Ca Huế mang cốt cách cao sang, quý tộc hơn so với các loại hình dân ca, điệu lý khác. Để đưa Ca Huế từ đời sống cung đình vào đời sống cộng đồng không phải là một điều dễ dàng. Nhiều năm qua, nhà thơ Võ Quê đã và đang nỗ lực giới thiệu, quảng bá Ca Huế đến đại chúng.
Nhà thơ Võ Quê là một từng người kinh qua nhiều nghề. Từ đi bán bánh mỳ, bán cà rem đến làm lơ xe, bưng bê rồi trở thành nhà thơ với nhiều tập thơ được xuất bản... Nhưng với niềm đam mê Ca Huế ngay từ nhỏ, ông đã nỗ lực để trở thành một soạn giả về Ca Huế như ngày hôm nay. Đặc biệt, ông là người có công đưa Ca Huế vào đời sống cộng đồng. Ông hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế (thuộc Trung tâm Văn hóa Huế), nơi đưa loại hình Ca Huế thính phòng được tiệm cận với công chúng nhanh nhất.
Nhà thơ Võ Quê sinh ngày 07/03/1948 tại An Truyền (Làng Chuồn), Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ông hiện là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Ca Huế thuộc Trung Tâm Văn Hóa Huế.
Những buổi đầu, nhà thơ Võ Quê đã quy tụ được 8 người đi theo Ca Huế do ông phụ trách. Từ khi được thành lập ngày 20/08/1983 tại nhà văn hóa Huế, trải qua nhiều thăng trầm, ông đã dẫn dắt đoàn nghệ thuật Ca Huế đi biểu diễn nhiều nơi trên Thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... Từ 8 người Ca Huế và một người phụ trách ấy, bây giờ những nghệ nhân Ca Huế có khoảng trên 400 người đã có thẻ biểu diễn.
Ca Huế được thể hiện trên sông Hương, với nhịp chảy lững lờ của dòng sông, tiếng ca của người nghệ nhân sẽ chạm vào lòng sông rất rõ, mang đến tiếng ca hút hồn người nghe trong không gian trầm mặc của xứ Huế mộng mơ.
Câu lạc bộ Ca Huế biểu diễn Ca Huế thính phòng miễn phí tại Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi, tp. Huế) vào tối thứ 3 và tối thứ 6 hàng tuần
Ngày trước Ca Huế chỉ phục vụ cá nhân, không mang tính cộng đồng. Chính nhà thơ Võ Quê đã đưa Ca Huế vào cộng đồng, trở thành sản phẩm du lịch, kinh tế. Và khi đó, Ca Huế đã có những thay đổi về hình thức biểu diễn. Từ đây, những làn điệu dân ca, những điệu lý được xen vào những bài Ca Huế để người nghe dễ hiểu hơn. Từ những khúc Nam ai, Nam bình... đến hát chầu văn, hò giã gạo... là cả một bước tiến dài của những người đi theo nghiệp Ca Huế.
Ca Huế đã được tiếp truyền các hình thức cũ, giờ có thêm các hình thức mới để đi vào đời sống hơn. Trong quá trình đó chắc chắn Ca Huế sẽ có những biến tướng. Vấn đề là người tổ chức Ca Huế phải biết cách “gạn đục khơi trong” để cho Ca Huế được phát triển tốt đẹp hơn. Và nhà thơ Võ Quê đã làm được điều này.
Thanh Nhàn