Đâu là giải pháp đột phá cho du lịch Thủ đô Hà Nội sau đại dịch Covid-19?
Ngành Du lịch cả nước, đặc biệt là ngành Du lịch Thủ đô đang trên đà phục hồi nhanh sau dịch COVID-19, tuy nhiên, mục tiêu để Hà Nội có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt như mong muốn.
Vì vậy, Hà Nội cần phát triển mới sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá du lịch… để bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của ngành Du lịch Thủ đô.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản đã khẳng định như vậy tại Tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19” do Báo Hà Nội Mới phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức chiều 24/10.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu năm nay sẽ đón từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó, có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế. Từ khi mở cửa lại hoạt động du lịch, thị trường khách du lịch nội địa đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và đã phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay của ngành Du lịch Hà Nội nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung là lượng khách du lịch quốc tế còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tính đến tháng 9/2022, thành phố mới đón được khoảng 766 nghìn lượt khách quốc tế, còn cách xa mục tiêu đề ra. Trước việc đón khách quốc tế gặp nhiều khó khăn, ngành Du lịch nói chung và Hà Nội nói riêng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế.
Tại Tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ khó khăn, thách thức từ đơn vị doanh nghiệp, điểm đến, lữ hành, từ đó cùng cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch đưa ra giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá cũng như tăng hiệu quả liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, địa phương, cùng nhau nâng cao giá trị điểm đến của du lịch Hà Nội…
Nhìn nhận sau khi Việt Nam kiểm soát, khống chế được dịch COVID-19, bước vào phục hồi mọi mặt đời sống, du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng có những tín hiệu khởi sắc, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, giai đoạn này dịch vụ du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh, chiếm 80% tổng lượng khách.
Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ mà ngày thường cũng đông. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Cũng theo ông Lê Hồng Thái, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo uy tín cho du lịch Thủ đô.
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch sau COVID-19, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, sau 2 năm bị đóng cửa bởi COVID-19, khi thị trường du lịch hoạt động trở lại, địa phương đã định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng.
Địa phương chú trọng việc kết nối điểm đến với các khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để tạo điều kiện cho khách lưu trú. Ngoài ra, địa phương tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, “photo tour” (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ...
- Ngành du lịch quốc tế phục hồi nhưng chưa thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19
- Du lịch Việt Nam: Khởi động hành trình chinh phục hai ngọn núi trong top cao nhất Việt Nam
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hà Nội Mới nhấn mạnh, các ý kiến tại Tọa đàm thể hiện rõ trách nhiệm, tâm huyết cũng như sự trăn trở trước những vấn đề đặt ra. Buổi Tọa đàm tập hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị để hiến kế cho cơ quan chức năng tìm giải pháp phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch Hà Nội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhận định, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề cốt lõi để du lịch phát triển là yếu tố con người, nên các bên cần chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ du lịch. Với du lịch nông nghiệp, các gia đình trong vùng du lịch cần quan tâm tìm hướng phát triển, tạo ra sản phẩm hấp dẫn.
Các gia đình phải liên kết với nhau, trong đó, không thể thiếu vai trò của quảng bá. Trên tinh thần đó, trong quá trình phối hợp, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cùng Báo Hà Nội Mới tiếp tục trao đổi để đề xuất cơ chế, cách làm, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
Đinh Thuận