Đấu giá tranh nhìn từ Việt Nam (kỳ 3 & hết): Các nhà đấu giá nội địa đang hình thành
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cơ cấu của thị trường mỹ thuật, nhà đấu giá nội địa giữ vai trò rất quan trọng, vì nơi đó công khai giá cả của một tác phẩm. Bên cạnh đó, nhà đấu giá cũng tham gia vào quá trình phát hiện, định giá, định danh và thanh lọc thị trường, nơi sự thật - giả, tốt - xấu luôn len lỏi cùng nhau.
- Đấu giá tranh nhìn từ Việt Nam (kỳ 2): Nhà sưu tập trong nước bán tranh cho các nhà đấu giá quốc tế
- Đấu giá tranh nhìn từ Việt Nam: Những nhà sưu tập Việt 'lên sàn' quốc tế (Kỳ 1)
Năm 1923 tại Hà Nội, 4 bức tranh của họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973) là Ông già Kim Liên, Cô gái Bắc kỳ, Nhà nho xứ Bắc, Tĩnh vật đã tham gia một cuộc đấu xảo và bán thành công. Đây được xem là cột mốc sớm của thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Vài dấu mốc đáng nhớ
Sáng ngày 1/6/2017, Đại hội Hội Đấu giá viên thành phố Hà Nội lần thứ 1 đã diễn ra tại trụ sở Hội Luật gia Việt Nam. Điều này cho thấy sự mới mẻ và sức hút của lĩnh vực đấu giá nói chung, trong đó có đấu giá nghệ thuật. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có gần 20 nhà bán đấu giá chuyên nghiệp có tên đăng ký tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.
Ngày 28/5/2016, Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt (Hà Nội) trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tổ chức thành công phiên bán đấu giá nghệ thuật theo hướng chuyên nghiệp. Đã có 5 tác phẩm nghệ thuật và tranh được bán thành công tại phiên đấu. Tham dự phiên này có các nhà sưu tập tranh đến từ Trung Quốc.
Ngày 3/6/2016, Công ty Cổ phần Đấu giá số 5 - Quốc gia đã được Công ty quản lý tài sản VAMC chỉ định làm đơn vị tổ chức bán đấu giá công khai. Gần đây, họ đã đấu chiếc bình bằng đồng, thời văn hóa Đông Sơn với giá khởi điểm là 995.450.000 đồng, và đấu chiếc thạp gốm hoa nâu thời Trần, với giá khởi điểm là 740.800.000 đồng. Họ cũng hướng tới việc đấu giá tranh.
Tối ngày 17/12/2016, Lý Thị (Lythi Auction) tổ chức phiên đấu giá đầu tiên tại TP.HCM, với 14/26 tác phẩm nghệ thuật được bán. Những bức tranh bán thành công với giá cao như Mẫu đơn đỏ của Lê Phổ (40.000 USD), Thiếu nữ của Lê Văn Xương (22.500 USD), Thiếu nữ của Trần Đông Lương (23.000 USD)... Lythi Auction đang chuẩn bị cho phiên đấu thứ 3 của mình, với các tranh của hội họa miền Nam trước 1975.
Xôm tụ nhất trong năm qua có lẽ là nhà đấu giá Chọn (Chọn Auction House), với 8 phiên đấu, trung bình mỗi tháng một phiên. Tham vọng của họ khá lớn, nhưng khởi điểm lại chủ đích chọn những tranh tượng có giá khởi điểm thấp, để thu hút người quan tâm. Phiên đấu thứ 8 kết thúc hôm 19/11/2017, Chọn đã bán 16/23 tác phẩm, thu về tổng số tiền là 137.750 USD. Bức tranh sơn mài Ngày hội kinh kỳ của Nguyễn Văn Trung đã được bán với giá là 55.000 USD, bức tranh Cô Thành cuối năm Ất Sửu của Bùi Xuân Phái bán 30.000 USD.
Trên mạng cũng xuất hiện cả chục địa chỉ đấu giá tranh, hiện đang thu hút nhất là Viet Art Now (hơn 4.200 thành viên) và Vietnam Art Space (hơn 9.400 thành viên). Lượng tranh giao dịch ở đây rất lớn và cũng thường xuyên bán thành công.
Đây là chưa nói đến những phiên đấu giá từ thiện của Nhà Chống Lũ, Live To Love Vietnam, Operation Smile Vietnam… cũng đã thu hút nhiều tranh giá trị. Bức tranh Tôi - diều gió của Lê Kinh Tài được đấu với giá 80.000 USD tại phiên gây quỹ Thiện Nhân và những người bạn vào tối ngày 22/10/2016, do Live To Love Vietnam tổ chức. Dù là các phiên đấu từ thiện, nhưng cảm hứng mà nó mang lại cho thị trường nội địa là rất rõ ràng.
Nhân tố đầu tiên
Thị trường mỹ thuật cần rất nhiều cơ cấu để hoàn chỉnh, nhưng nhân tố đầu tiên - các nhà sưu tập nội địa - vẫn là cần thiết và quan trọng nhất. Việt Nam đang nở rộ các phiên đấu giá, thu hút được các nhà sưu tập quốc tế, nhưng còn hơi thiếu các nhà sưu tập nội địa.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy chỉ các nhà sưu tập nội địa mới đủ sức định nghĩa và tạo dựng thị trường nội địa. Kinh nghiệm này có thể được nhìn thấy qua Trung Quốc, Indonesia, Singapore… dù là những thị trường mới, nhưng họ đã làm tốt vai trò nội địa, giờ đây vươn mạnh ra thế giới. Các nhà sưu tập Trung Quốc gần đây là “nỗi kinh hoàng” của các phiên đấu quốc tế, họ đang dùng đúng chiêu thức “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” để mua cho được những bức tranh quan trọng nhất đem về nước.
Công việc của Nguyễn Minh (Hà Nội) có thể là một ví dụ tốt cho mô hình của nhà sưu tập nội địa. Anh đã ra nước ngoài mua rất nhiều tác phẩm mang về Việt Nam, thỉnh thoảng bán lại cho các phiên đấu giá trong nước. Chính điều này đã làm tăng giá trị và sự chọn lựa cho những nhà sưu tập mới tại thị trường nội địa. Nó cũng là một nhân tố quan trọng góp vào việc hình thành thị trường thứ cấp.
Cho nên “lượng sẽ thay đổi chất”, khi nào Việt Nam đủ nhiều các nhà sưu tập nội địa, thì lúc ấy thị trường mới dần hoàn chỉnh, và “phú quý” mới thực sự sinh “lễ nghĩa”.
Tranh Việt sớm đoạt huy chương quốc tế Mỹ thuật hiện đại Việt Nam ra quốc tế ngay sau năm 1930, tức là lúc khóa 1 (1925-1930) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vừa tốt nghiệp. Năm 1931, Lê Phổ đã được thầy là Victor Tardieu chọn làm phụ tá sang Paris tham gia một triển lãm đấu xảo, tại đây nhiều tác phẩm của Việt Nam đã gây được tiếng vang với thị trường, báo chí đưa tin, nhà sưu tập vào cuộc. Tác phẩm Chân dung mẹ tôi của Nam Sơn và Thời hạnh phúc của Lê Phổ cùng đoạt Huy chương Bạc tại cuộc đấu xảo này. |
Văn Bảy