Đau đầu gỡ vướng việc đeo thêm 2 cái vòng cho mỗi con lợn để 'truy xuất'
(Thethaovanhoa.vn) - Việc đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc cho lợn đang được TP Hồ Chí Minh áp dụng để tiến tới đưa thịt sạch đến người tiêu dùng, tuy nhiên ngay khi triển khai, công tác này đã gặp phải nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
- 8 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối, chuẩn bị sấy khô bán ra thị trường
- Sự nguy hiểm của chất tạo nạc trong thịt lợn
Theo các hộ chăn nuôi, trung bình một con lợn khi bán ra đang phải chịu lỗ từ 500.000 -1.000.000 đồng/con. Người nuôi lợn dù ít hay nhiều đều phải thực hiện đầy đủ các quy trình kiểm dịch, từ khi nuôi đến khi xuất chuồng và bán ra thị trường. Vì vậy, chủ trương đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn khi xuất chuồng được nông dân hoàn toàn ủng hộ nhưng còn nhiều vướng mắc.
Ông Trần Minh Quang, chủ một trang trại nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết: “Một con lợn trước khi xuất chuồng gánh rất nhiều loại giấy tờ như: mã số trang trại, giấy kiểm dịch của thú ý, giấy phép chích vắcxin, giấy chuyển vùng lợn có niêm phong trước khi chuyển về TP Hồ Chí Minh. Tất cả những loại giấy tờ này đều có thể truy xuất nguồn gốc, vì sao bây giờ lại phải đeo thêm 2 cái vòng trên mỗi một con lợn, chỉ làm tăng chi phí cho người nuôi”.
“Cơ quan chức năng phải tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, chẳng hạn có thể giảm chi phí đeo vòng hoặc có thể đeo vòng cho lợn khi chúng đã được giết mổ tại lò ở TP Hồ Chí Minh thì thuận lợi hơn cho người chăn nuôi”, ông Quang cho biết thêm.
Trung bình mỗi ngày, Đồng Nai cung cấp khoảng 5.000 con lợn cho TP Hồ Chí Minh. Tính đến nay đã có khoảng 50/320 trang trại tham gia đề án truy xuất nguồn gốc của TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi lợn của Đồng Nai, chi phí để đeo được vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn khoảng 16.000 đồng/con sẽ rất khó khăn cho các hộ nông dân trong khi giá lợn hơi đang xuống thấp. Vì vậy, các hộ chăn nuôi Đồng Nai mong muốn có sự phối hợp từ TP Hồ Chí Minh, nếu được sự đồng thuận chia sẻ khó khăn thì hiệu quả của việc thực hiện truy xuất mới đạt hiệu quả cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết sau 2 ngày thực hiện việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại 2 chợ đầu mối trên địa bàn, số lượng lợn đeo vòng truy xuất cũng đã tăng lên, tuy nhiên công tác này vẫn còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn đang ở giai đoạn ban đầu còn mới mẻ nên người chăn nuôi và tiểu thương chưa hiểu rõ quy trình và ý nghĩa của việc này.
“Việc đeo vòng truy xuất là bắt buộc, xu hướng tất yếu. Có thể thời điểm hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả nhưng sắp tới sẽ có lộ trình hướng dẫn đầy đủ, có giải thích và hỗ trợ để từng bước làm tốt dần lên. Ý nghĩa của việc đeo vòng truy xuất để gây dựng thương hiệu và có giá bán tốt nhất cho các hộ chăn nuôi lợn, tránh bị các thương lái ép giá. TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 100% cho các tổ hợp tác xã, hợp tác xã đăng ký tham gia Đề án”, ông Hoà chia sẻ.
Theo ông Hòa, TP Hồ Chí Minh phụ thuộc vào nguồn thịt vận chuyển từ các địa phương khác về khoảng 80% nên rất khó quản lý, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 9.600 con, trong đó kênh siêu thị khoảng 1.200 con, tại 2 chợ đầu mối là 8.400 con. Trong số lợn tiêu thụ ở chợ có 6.550 con được giết mổ tại các lò ở TP Hồ Chí Minh và 1.850 con từ các tỉnh đưa về. Vì vậy, việc đeo vòng truy xuất cho lợn rất cần sự phối hợp chặt với các tỉnh, các hộ nông dân và tiểu thương để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, công đoạn đeo vòng truy xuất nguồn gốc chỉ là bước đầu, sau khi giết mổ, thịt lợn sẽ được chuyển qua dán tem giấy, để người tiêu dùng có thể truy xuất được các thông tin khi về các kênh phân phối của thành phố. Hiện 2/3 số lợn cung cấp cho TP Hồ Chí Minh đã được nhận diện truy xuất nguồn gốc.
“Tuy nhiên, đang có thực trạng, người chăn nuôi đang bị nhầm lẫn giữa an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Theo đó, an toàn thực phẩm, dịch bệnh là công việc của thú y vẫn làm hằng ngày từ khi nuôi lợn đến khi xuất chuồng. Còn đeo vòng truy xuất được thực hiện khi bắt lợn ở trang trại đem về thành phố tiêu thụ nhằm kiểm soát nguồn gốc và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng lại là một khía cạnh khác”, ông Hà Trung cho biết thêm.
Theo Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức