Đảo Phú Quý - Viên ngọc quý trên biển Bình Thuận đang rực sáng từng ngày
(Thethaovanhoa.vn) - Phú Quý là huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, nằm cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120 km) về hướng Đông Nam, với diện tích tự nhiên 17km2 (dân số trên 27.000 người). Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển (12/1977 - 12/2017), huyện đảo Phú Quý đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/năm.
- Chung tay phổ biến, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo ở Tây Nam bộ
- Biển đảo là mũi nhọn phát triển bền vững, hiệu quả du lịch Kiên Giang
- Lý Sơn - Bảo tàng địa chất, lịch sử và đời sống về chủ quyền biển đảo
Do đặc điểm là một huyện đảo, xa đất liền, những năm đầu thành lập, kết cấu hạ tầng về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản không có gì đáng kể; sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đất xấu, ít và không chủ động tưới tiêu nên sản lượng lương thực đạt rất thấp, thu hoạch hàng năm chỉ đạt xấp xỉ 300 tấn, hàng năm tỉnh phải cung cấp từ 1.000 - 1.200 tấn lương thực mới đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Ngư nghiệp chỉ có 200 thuyền các loại, trong đó có trên 80% là thuyền có công suất nhỏ từ 3 - 20CV, sản lượng đánh bắt hải sản khoảng 280 tấn/năm...
Ông Tạ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Đến nay, dù còn những khó khăn nhất định nhưng tình hình kinh tế - xã hội ở huyện đảo Phú Quý có bước phát triển trên tất cả các mặt. Cuộc sống người dân Phú Quý đang đổi thay mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng… Với lợi thế về nghề biển, nhân dân đã tập trung nguồn vốn để phát triển đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Tính đến cuối năm 2017, đội tàu của toàn huyện đã lên tới 1.399 chiếc (tàu cá có công suất từ 90CV trở lên là 515 chiếc).
Bên cạnh đó, hiện Phú Quý còn là một trong những địa phương có đội tàu dịch vụ hậu cần nghề biển nhiều nhất cả nước với 155 chiếc, chuyên cung ứng đồ dùng thiết yếu và thu mua, sơ chế hải sản trên biển; đồng thời đây cũng là chỗ dựa vững chắc để ngư dân bám biển dài ngày. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản hàng năm của huyện đạt hơn 28.000 tấn. Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, ngư dân đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trang bị thêm ngư lưới cụ và các phương tiện dẫn đường đi biển. Ngư trường Nhà giàn DK1, Trường Sa…không còn xa lạ đối với ngư dân Phú Quý. Những chuyến đi biển dài ngày tạo cho đảo một nguồn thu lớn từ hải sản.
Tuy cách xa đất liền và điều kiện còn khó khăn, đảo Phú Quý vẫn hòa chung không khí xây dựng nông thôn mới. Cả ba xã trên đảo Phú Quý đều được tỉnh Bình Thuận chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Phú Quý trở thành huyện đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện đảo thứ hai trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ đó, hệ thống cơ cấu kinh tế của huyện Phú Quý chuyển dịch mạnh theo hướng thương mại - dịch vụ; tăng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; quy mô, năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên…Từ khi thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện đảo được thay đổi theo hướng đô thị hóa.
Đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Phú Quý đã được cứng hóa mặt đường láng nhựa hoặc bê tông xi măng.100% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện, đường trục xã, liên xã được thảm nhựa và bê tông hóa. Tuyến đường biển Phú Quý - Phan Thiết đã được rút ngắn thời gian từ 6 giờ xuống còn 4 giờ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách....
Phú Quý không những có vai trò quan trọng về kinh tế, nơi đây còn là điểm du lịch lý tưởng của tỉnh Bình Thuận. Bờ biển Phú Quý với những dải cát trắng mịn, nước biển trong xanh, bao quanh đảo Phú Quý là 9 đảo nhỏ khác là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Ông Tạ Minh Nhật, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết: Từ năm 2015 đến nay, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, nhất là từ khi nguồn điện được phát 24/24 giờ đã mở ra một thời kỳ mới cho Phú Quý.
Trong năm 2017, hơn 16.600 lượt du khách đã đến Phú Quý (tăng 3.000 lượt người so với năm 2016). Kết quả trên có được là nhờ lãnh đạo huyện và các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền quảng bá sâu rộng những hình ảnh, nét đẹp của Phú Quý đến với du khách. Vì vậy, hình ảnh của huyện đảo ngày càng được nhiều người biết đến với nhiều loại hình du lịch đa dạng như: du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng...
Năm 2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch xây dựng và phát triển mạnh khu kinh tế huyện đảo Phú Quý. Theo đó, Bình Thuận tập trung xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm khai thác, bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và là trung tâm cứu hộ, cứu nạn của khu vực Nam Trung Bộ. Đồng thời, tỉnh tập trung vận động, kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Phú Quý, các công trình hạ tầng thương mại theo quy hoạch được phê duyệt nhằm thu hút đầu tư mới và di dời các cơ sở chế biến trong khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung… Trong tương lai không xa, Phú Quý sẽ trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá, chế biến hải sản xuất khẩu, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền.
Phú Quý đang đổi thay từng ngày. Đói nghèo đã lùi dần về quá khứ. Nhiều túp lều mái lá đã nhường chỗ cho những ngôi nhà mới khang trang sạch đẹp. Nhiệm vụ của thế hệ trẻ hôm nay là việc tiếp thu khoa học kỹ thuật, tiến lên xây dựng đảo giàu mạnh, hiện đại. Tuy vẫn còn nhiều khói khăn phía trước, nhưng những gì đã đạt được trong 40 năm qua là sự cố gắng hết mình, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân huyện đảo này. Những kết quả đạt được sẽ tạo động lực để Phú Quý là huyện đảo có kinh tế phát triển năng động, thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh.
Nguyễn Thanh