Đào Minh Tri - gai góc và quyến rũ
Khai mạc tối qua 22/3 tại TP.HCM, triển lãm cá nhân Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa Đào Minh Tri do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, bày gần 60 tác phẩm, chọn lọc từ 50 năm sáng tác, gồm bột màu trên giấy, sơn dầu và sơn mài. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) về tác giả Đào Minh Tri, với tựa đề do chúng tôi đặt.
Cầm tuổi Canh Dần 1950, sự gai góc, đáo để và sắc sảo đã là tính cách bẩm sinh của họa sĩ Đào Minh Tri ngay từ thời niên thiếu, khi ông là "hoàng tử bé" rất đáng yêu của hệ sơ - trung 7 năm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ngày ấy, nói đến ông, không thể không nhắc nhớ đến họa sĩ Ca Lê Thắng, người bạn liền kề, để tạo nên một cặp đôi hoàn hảo của một thời vất vả, gian khó, nhưng lành sạch và đẹp đẽ của mỹ thuật Việt Nam.
Ngay từ giữa những năm 1970, Đào Minh Tri đã nhô ra như hình ảnh đầu tiên về thế hệ thứ nhất của Đổi mới trong nghệ thuật ở Việt Nam. Cứng cỏi làm "thế hệ tiền trạm" khi quả quyết xoay chuyển nhanh trong thập niên 1980 về ý thức thẩm mỹ và ngôn ngữ hội họa. Đào Minh Tri như một loại cây gai bẩm sinh tự xòe nhọn, tự xoay mở để phá vỡ không gian kinh viện, khi kín đáo gây sốc thị giác, khi phổ diễn hình sắc như bùa chú.
Đương nhiên, ông mạnh mẽ và dễ gần với hội họa hiện thực, nhưng liền đó cũng sớm bỏ lại nó để bước nhanh qua siêu thực và trừu tượng. Ông nồng nàn đeo bám một tín ngưỡng riêng khi phiêu phất xanh lục, xanh lam theo hình sắc bí ẩn của những người đàn bà Việt ở chốn thượng ngàn, khi Đạo Mẫu Việt Nam còn được cất giữ trong một không gian thiêng, mà không đủ duyên, thì mấy ai hay biết để tròn căn quả.
Rồi cũng phải tới cái không gian thăm thẳm không thấu đáy của sơn mài, ông mới thỏa thuê vùng vẫy, hòa điệu tự tin cùng những ký tự lạ của tâm thức phương Đông, thông tỏ những quẻ dịch trong giây khắc để bay lượn không lạc phách với ngũ hành.
Trong nhạc cảm siêu thoát và tượng trưng, các mô-típ cá và người vừa ẩn phận vừa phô bày hình và hồn trong những cấu trúc phức hợp, tạo cớ cho vỏ trứng biến hóa, luân chuyển không dấu vết giữa vàng, bạc, son, then khi mờ chìm hoặc đột ngột chói lên rạng rỡ.
Cùng những nét ngẫu hứng trên giấy và buông nhẹ mực tàu trên mặt lụa trong, tranh sơn mài của họa sĩ Đào Minh Tri có sức quyến rũ thầm lặng và khó cũ với các thế hệ đến sau. Ông để ngỏ mọi cửa vào, lối ra nơi bức họa như một thách thức vừa ngạo nghễ, vừa dịu dàng. Thế giới của tôi cũng là của bạn, nếu trời cho duyên trong sự gặp gỡ huyền hoặc và kỳ thú với sơn ta, với sơn mài Việt.
Lẳng lặng một ngôi vị đương nhiên, chẳng cần phải chiếm chỗ của bất kỳ ai, họa sĩ Đào Minh Tri là một dung nhan đáng yêu, khó bỏ của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Những tác phẩm chưa từng công bố
Trong khoảng 60 tác phẩm tại triển lãm Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa Đào Minh Tri, mảng bột màu trên giấy, sáng tác chủ yếu trong những năm 1970 - 1980, là chưa bao giờ công bố. Với sức làm việc dồi dào, kinh qua nhiều chất liệu, thành công lớn với sơn mài, nên với bột màu trên giấy, Đào Minh Tri vẽ như ghi chép lại ý tưởng, vẽ cho mình. Sau mấy chục năm, xem lại loạt tranh bột màu trên giấy này, chúng ta hiểu thêm tư duy sáng tạo, việc chọn lựa con đường của Đào Minh Tri.
Sức làm việc đáng nể
Sinh năm 1950, cùng với những tên tuổi như Thành Chương, Ca Lê Thắng, Lý Trực Sơn… Đào Minh Tri đã làm cuộc lội ngược dòng về tư duy sáng tạo và mục đích thẩm mỹ.
Đào Minh Tri tốt nghiệp hệ sơ trung (7 năm) và hệ đại học (5 năm) Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1976. Sau khi thống nhất đất nước, ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Dù bận giảng dạy và công tác quản lý, nhưng sức làm việc của ông thật đáng nể, đặc biệt với chất liệu sơn mài. Ông đã tham gia hơn 30 triển lãm nhóm tại nhiều nước, năm 1992 thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên tại Paris, Pháp. Năm 2004, ông thực hiện triển lãm cá nhân về sơn mài tại TP.HCM, thành công vang dội, gây ấn tượng về nghệ thuật sáng tạo. Từ năm 2007, sau khi bị tai biến phải ngồi xe lăn, ông ít tham gia triển lãm, dù vẫn đau đáu với việc tìm tòi và vẽ.