Hội họa về cái khoái cảm của con mắt
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm cá nhân Giấc mơ của Nguyễn Hoài Hương khai mạc lúc 18h ngày 20/3/2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là cuộc trở lại mạnh mẽ của họa sĩ này. Với hơn 70 tác phẩm, gồm nhiều chất liệu, vật liệu, đặc biệt sơn mài, Nguyễn Hoài Hương mang đến cho người xem một không gian và thiết kế được sắp đặt thanh tao, gần gũi.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu một góc nhìn của nhạc sĩ Dương Thụ về triển lãm mới của Nguyễn Hoài Hương.
Thập niên 1980-1990 của thế kỷ trước, hội họa Việt Nam đã có một bước chuyển quan trọng bởi sự xuất hiện một thế hệ họa sĩ mới, Hà Nội với nhóm năm người (Gang of five) và TP.HCM với nhóm bốn người, trong đó có Hoài Hương. Họ là những nhân vật tiêu biểu, những nhà cách tân thật sự của thời mở cửa.
Không giống với ba người còn lại (Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín), Nguyễn Hoài Hương khởi đầu bằng sự kết hợp giữa hội họa với công việc design (thiết kế) cảnh quan nội - ngoại thất, trực tiếp thiết kế kiến trúc và thiết kế đồ nội thất theo phong cách Á Đông. Vừa vẽ tranh, vừa thiết kế, sau 40 năm kể từ ngày tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, hội họa và design đã hòa trộn với nhau để trở thành một Hoài Hương của hôm nay.
Tranh sơn mài của Hoài Hương lộng lẫy, rực rỡ nhưng không phải cái lộng lẫy vàng son cổ điển, mà nó tươi mới với một bảng màu không thường thấy trong sơn mài truyền thống: màu tím Huế, màu xanh dương, màu xanh lá cây, màu nâu đất nhạt và màu vàng chanh, tất cả có độ trong mà không quá bóng bẩy. Còn về hình thì hình thiếu nữ khỏa thân, hoa sen, lá sen, lá chuối…v.v. là những motif mang nặng tính trang trí, nhưng rất riêng biệt của Hoài Hương, chúng được sắp đặt trong một không gian phi thực, nhưng không có ý vị siêu thực. Một số bức sơn mài trừu tượng là tiếp tục cuộc chơi về màu sắc về chất thể để thỏa mãn khoái cảm thị giác, nó mạnh mẽ và duyên dáng.
- Triển lãm Fabergé tại Nga: Bị tố có 'ít nhất 20 món đồ giả'
- Triển lãm 'Gốm Tết 2021': Nghệ thuật trong cuộc dạo chơi với lửa
Tranh sơn dầu của anh vẫn là cái đẹp thuần túy thị giác của một người có tâm hồn lãng mạn, nhẹ nhàng, có một chút hoài cổ, thích đắm chìm trong những buổi chiều tím vắng lặng còn rơi rớt chút nắng vàng trên những ngôi làng cổ vùng đồng bằng Bắc bộ, một phong cách hội họa nằm giữa lãng mạn và ấn tượng theo kiểu Việt Nam.
Một họa sĩ được đào tạo bài bản nhưng không quá quan tâm đến hội họa cổ điển và các trường phái hội họa hiện đại, không muốn làm cái gì cho khác người, không cao đạo, không lớn tiếng, trung thành với những gì mình thích, đứng ngoài sự khen chê, im lặng làm việc. Hoài Hương đã có một gia sản đáng nể về hội họa và design mang chữ ký của riêng mình. Chữ ký của một họa sĩ Việt Nam hiện đại biết tiếp nhận vẻ đẹp của mỹ thuật truyền thống để tạo ra vẻ đẹp riêng, không quá lạ lẫm với đại chúng.
Hội họa của Hoài Hương là hội họa của con mắt, cái khoái cảm của con mắt, giống như một bản nhạc không lời, nghe không phải để hiểu mà nghe để thư giãn, để tìm sự bình yên.
Bắc Ninh, 06/02/2021
Dương Thụ