Đạo diễn Phạm Đông Hồng đi lễ đầu năm: 'Mệt nhưng thanh thản'
(Thethaovanhoa.vn) - “Ngày Xuân người việt thường đi lễ đầu năm, cái phong tục này chắc rằng có từ ngàn đời nay. Người ta đi lễ đền, chùa…để cầu cho một năm mới mạnh khỏe và làm ăn thuận buồm xuôi gió, trời đất mưa thuận gió hòa… Tôi cũng vậy, sau những ngày đón Xuân và chúc tết họ hàng, người thân, đối tác… thì thường là những ngày đi lễ đầu năm, đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ.
- VIDEO: Lý do Lễ hội Đền Đông Cuông 2017 không treo trâu như mọi năm
- Thực hành nghi lễ rước nước, tế cá tại lễ hội đền Trần
- Chuẩn bị 15 vạn túi lương cho Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần
Đầu năm mới, dư luận sôi sục về những hình ảnh không đẹp về lễ hội. Những hình ảnh đó hầu hết không nằm ở bản chất của lễ hội, mà chủ yếu là do người đời - những người thực hành hay trẩy hội gây ra. Đi lễ hội như thế nào cho đúng, cho văn hóa, văn minh? Cùng báo Điện tử Thể thao & Văn hóa chia sẻ cách trẩy hội của một số nhân vật đáng chú ý. |
Trong 2 ngày mùng 8 và mùng 9 tết năm nay, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã thực hiện được 3/4 “Bộ lễ” của mình là đi được đền Bà Chúa Kho và Ông Hoàng Bảy và đền mẫu Đông Cuông.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ, năm nay khi nghe đài báo đưa tin về các nơi rất đông, nên gia đình ông cố tình đi vào chiều muộn. Tuy nhiên, chiều muộn ngày mùng 8 Tết, đến đền Bà Chúa Kho, gia đình ông bước vào cổng đền khi hoàng hôn đã buông xuống, nhưng khách thập phương đến lễ đền và xin lộc Bà Chúa Kho vẫn rất đông đúc, đôi chỗ còn có sự chen lấn, xô đẩy....
Cảnh đông đúc ở đền bà chúa kho chiều tối ngày mùng 8 Tết. Ảnh Đông Hồng
“Thật lòng mà nói mới đầu, tôi thấy quá... nản. Sau nghĩ rằng, mình đã đến đây thì cố vào thắp nén hương cho bà. Xung quanh tôi ai ai cũng khấn vái một cách thành tâm và dường như đang cũng tin vào một điều thần thánh mà chúng ta không nhìn thấy được. Đang vu vơ quan sát, may thay tôi gặp được một bác mà gia đình bán đồ lễ ở cạnh đền cũng đã quen từ lâu (cũng bởi biết tôi hay làm hài Tết) thế là buồn ngủ như gặp chiếu manh: Bác đã thu xếp cho chúng tôi được vào hẳn cung cấm lễ. Đương nhiên là cũng vẫn phải chen chúc với khách thập phương sau một hồi mới vào được ... cung cấm”.
Trở về Hà Nội thì cũng đã 21h. Nhưng sau một đêm, sáng hớm hôm sau, gia đình đạo diễn Phạm Đông Hồng lại tiếp tục cuộc hành trình lên thắp hương lên đền Ông Hoàng Bảy ở Lào Cai.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng (phải) tại đền ông Hoàng Bảy
Vị đạo diễn của hàng trăm phim hài Tết chia sẻ: “Ngoài sức tưởng tưởng của tôi khi đến đền Ông Hoàng Bảy. Lào Cai đang có một thời tiết nắng ấm, dịu mát. Thật tình mà nói, tôi cũng nghe thấy nhiều người kể rằng đi lễ Ông Hoàng Bảy gồm nhiều thành phần trong xã hội, nhưng với tôi, lại lần nữa được vào trong cung cấm để thắp hương (bởi có tý quen biết nhà đền), được chứng kiến một khung cảnh uy nghi, huyền ảo, tôi vẫn thây đây là một chốn linh thiêng, trật tự...”
Trở ra với tâm hồn thanh thản, gia đình đạo diễn Phạm Đông Hông về Yên Bái ghé qua đền mẫu Đông Cuông. Ngay khi đạo diễn Phạm Đông Hồng đang ở Đông Cuông, cộng đồng mạng lại xôn xao với những thông tin về lễ hội “thắt cổ trâu”, nhưng chính tại Đông Cuông lại yên bình và linh thiêng bên dòng sông lớn. Theo đạo diễn, BQL đền đang tu sửa và nâng cấp nơi đây thành một khu du lịch tâm linh.
Cảnh yên bình ở đền mẫu Đông Cuông, nơi từng có lễ hội "thắt cổ trâu"
“Trở về về nhà sau những chặng đường khá xa, khá mệt, nhưng tôi thấy tâm hồn thanh thản. Ai đi lễ đầu năm cũng cầu nhiều việc. Riêng tôi ngoài những việc đó là sự thành tâm và mong sao cho có sức khỏe cũng như cái tâm của mình được thanh thản để làm việc trong cả một năm”, ông chia sẻ.
Sắp tới, qua rằm tháng Giêng, gia đình đạo diễn Phạm Đông Hồng còn lên kế hoạch đi lễ đền Ông Hoàng Mười và một loạt đền ở miền Trung nữa...Hoài Thương (ghi)