Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: 'Muốn làm cuộc hành hương về cội nguồn'
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần trước, phim Phượng khấu (18 tập, mỗi tập 60 phút) đã chính thức được khởi động. Đó là bộ phim cổ trang có sự xuất hiện của những gương mặt lớn như NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, Hồng Đào... và được đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lên kế hoạch chuẩn bị suốt 2 năm qua, với mức đầu tư đặc biệt: khoảng 2 tỷ đồng/tập phim.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về bộ phim.
* Nhiều ý kiến cho rằng “Phượng khấu” được làm theo chủ đề “cung đấu” (đấu đá chốn hậu cung) nên có sự “ăn theo” xu hướng từ các phim ăn khách của nước ngoài. Anh nói sao?
- Tất nhiên là cũng có. Phim cung đấu nước ngoài đang hấp dẫn khán giả khiến tôi cũng có chút tự ái. Bởi trong lịch sử Việt Nam thì chuyện các bà hậu và phi tần tranh giành đấu đá nhau đâu có thiếu, mình dư sức làm, hấp dẫn không thua kém. Nhưng sự thật tôi chỉ mượn phong trào, mượn sở thích của giới trẻ để chuyên chở các giá trị văn hóa dân tộc. Lồng trong nội dung đấu đá ấy là một không gian và thời gian gắn với những cái đẹp như âm nhạc, lễ hội, trang phục, ẩm thực, trang điểm, trò chơi, kiến trúc, nội thất…
Tôi cũng mong qua phim, nhiều khán giả, đặc biệt giới trẻ, có thêm cảm hứng để tìm về với truyền thống. Riêng tôi, tôi cũng bắt đầu làm cuộc hành hương tìm về nguồn cội văn hóa dân tộc khi làm bộ phim này.
* Anh có thể giải thích cái tên “Phượng khấu”?
- Phượng khấu nghĩa là nút áo hình chim phượng.Theo truyền thuyết, trong dân gian có tục bói nút áo. Trong phim, hoàng thái hậu Nhân Tuyên (NSƯT Lê Thiện thủ vai) đưa 2 cái nút cho hai bà vợ của vua Thiệu Trị bắt thăm. Ai bắt được cái nút khắc hình chim phượng sẽ sinh con trai, ai bắt được cái nút khắc hình bông hoa sẽ sinh con gái. Đó cũng là câu chuyện gắn với sự ra đời của vua Tự Đức và chúa Nhàn Yên...
* Trang phục của các nhân vật do Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào… thủ vai quá đẹp. Yếu tố trang phục trong phim được anh và ê-kíp chuẩn bị thế nào?
- Gần 200 bộ trang phục, trong đó 50% được thêu thủ công. Phải may áo hoàn tất, rồi tháo rời ra từng mảnh, thêu trên từng mảnh đó thì mới chính xác được. Có những bộ rất công phu và đắt tiền. Thí dụ bộ của Diễm My 9X thêu bằng công thức cổ, luồn chỉ vàng, tốn khoảng 50 triệu đồng.
* Chi phí cho phim khá cao, nghe nói mỗi tập làm đến 2 tỷ đồng, trong khi phim truyền hình thông thường khoảng 200 triệu đồng. Anh làm sao tìm được người đầu tư?
- Chính vì đầu tư lớn như vậy nên tôi không làm nhiều tập. Đầu tiên chỉ làm 6 tập thôi, sau đó cũng chừng 2 lần 6 tập nữa là đủ. Làm ít, nhưng chất lượng đẹp như phim chiếu rạp. Và tôi cũng không chiếu miễn phí ngay từ đầu. Tôi bán cho những kênh truyền hình chiếu có thu tiền, bởi chính họ đầu tư cho phim. Sau đó mới bán cho YouTube để quảng bá rộng rãi, vì với kênh này thì cả thế giới sẽ xem được văn hóa Việt Nam. Tôi mong phim có thể đến tận nhà, vào tận điện thoại di động của mỗi người nếu họ tìm kiếm.
* Nhưng làm sao anh thuyết phục người ta đầu tư mới khó?
- Thì mình phải chuẩn bị khá đầy đủ, người ta xem thử, biết mình có sản phẩm, người ta mới tin và dám bỏ tiền. Thực ra tôi cũng nhắm đối tượng nào mê lịch sử, thích sự nghiêm túc thì tôi mới chào hàng. Các nhà đầu tư không thiếu tiền đâu, mình cứ làm sản phẩm đàng hoàng thì sẽ được thôi.
* Hai năm qua, anh đã chuẩn bị cho bộ phim như thế nào?
- Rất vất vả. Tôi phải ra tận Huế hoặc ra Bắc tìm các chuyên gia về sử hoặc các nhà chế tác trang phục, rồi tìm lại các truyền thuyết, các mộ chí xưa… Nói chung, làm phim thế này công phu gấp mấy lần làm phim hiện đại.Nhưng đổi lại, ê kíp chúng tôi học được rất nhiều kiến thức trong công việc của mình.
Thí dụ, triều Nguyễn không xưng hô như Trung Quốc mà rất thuần Việt. Vua không gọi “bệ hạ”, mà gọi “ngài ngự”. Hoàng hậu gọi “ngài hoàng”. Hoàng hậu nói chuyện với vua không xưng “thiếp”, mà xưng “em”. Huynh đệ gọi nhau là “mệ”. Tỷ muội gọi là “chị em”. Mẹ và con thì xưng “ta và con” chứ không gọi “ngươi” như Trung Quốc. Như thế, ông cha ta cũng biết sáng tạo để làm nên nét riêng và tách ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc. Chính vì nét văn hóa đặc sắc ấy mà chúng tôi làm phim này để cùng nhau thưởng thức và tự hào.
* Một chi tiết, phim nói về người ở Huế, nhưng anh không cho diễn viên nói giọng Huế?
- Điều này thì phải chấp nhận thôi. Nghệ thuật cũng có nhiều chỗ phải du di mà. Làm sao toát lên được tinh thần Huế, phong tục Huế nằm trong tinh thần dân tộc, văn hóa dân tộc, mới là điều quan trọng. Nhiều phim ảnh trên thế giới cũng chấp nhận lấy tiếng Anh làm chuẩn. Mình cũng không làm khác đi được, nếu nó tiện cho sự thưởng thức của số đông khán giả.
* Anh có muốn nhắn nhủ gì thêm với khán giả thông qua bộ phim này?
- Tôi mong mọi người hãy quan tâm đến các giá trị văn hóa dân tộc. Bởi sau này sẽ là thời đại 5.0, 7.0, mọi ranh giới vật chất và địa lý đều dần xóa nhòa, nhiều việc sẽ có robot làm thay. Vậy thì cái gì sẽ phân biệt các dân tộc, các xứ sở? Chỉ có văn hóa mà thôi. Hình như chúng ta đang quên lãng và hủy hoại nhiều thứ. Đừng để mất đi rồi hối tiếc.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Phim Phượng khấu được làm theo định dạng original series (tạm dịch: loạt phim gốc) như các phim Trò chơi vương quyền, Xác sống, Vượt ngục… Định dạng này thường được chiếu trên các kênh truyền hình trả tiền (như Netflix, K+, Film+…), chứ không phải chiếu miễn phí trên mạng. Vì vậy phim đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải đạt những yêu cầu cơ bản về thiết bị quay, chất lượng hình ảnh, âm thanh… khoảng 1/3 tiêu chuẩn phim chiếu rạp. |
Hoàng Kim (thực hiện)