Đánh 'giặc lụt', bao giờ anh về?
(Thethaovanhoa.vn) - "Khi nhận được tin báo ở khu vực miền Tây (của Yên Bái) mưa lũ, bất chấp trời mưa to, 10h sáng tôi và Dư đi xe máy vào thẳng thị xã Nghĩa Lộ. Đến cầu Thia gần 12h trưa, chúng tôi tranh thủ tác nghiệp mà không kịp ăn uống gì. Tôi và Dư ra giữa cầu để ghi hình, tôi chụp ảnh còn Dư quay phim. Khi tôi bấm được mấy kiểu rồi đi vào thay ống kính thì bất ngờ cầu Thia bị sập cuốn bạn tôi đi” - nhà báo Phạm Thế Duyệt đã kể lại trong nước mắt về Đinh Hữu Dư, phóng viên TTXVN thường trú tại Yên Bái, một trong số 5 người mất tích trong vụ sập cầu ngòi Thia.
Cho đến giờ này, Dư vẫn biệt tăm. Một số nạn nhân khác trong vụ sập cầu cũng vẫn biệt tăm. Trong khi danh sách các nạn nhân của vụ mưa lũ lịch sử này trên cả nước vẫn tiếp tục dài ra. Và tất cả chúng ta vẫn chờ đợi những điều thần kỳ sẽ đến: ấy là Dư sẽ trở về. Tất cả những người mất tích sẽ trở về...
Ở đâu có thiên tai, địch họa... các phóng viên lại lao đến. Nghề nghiệp của họ đòi hỏi như vậy. Nhà quản lý, công chúng cần thông tin, không phải chỉ để biết, mà để kịp thời xử lý. Thông tin là sống còn...
Cơn mưa lũ nhấn chìm nhiều vùng đất ở Yên Bái đã thôi thúc các phóng viên ra "tiền tuyến", trong đó có phóng viên TTXVN Đinh Hữu Dư. Và từ khi anh bị nước cuốn trôi thì cơn mưa lũ ấy không chỉ đơn thuần là đối tượng để đưa tin, phản ánh nữa. Mà với đông đảo bạn bè, đồng nghiệp của anh, nó đã trở thành một phần máu thịt của họ, không ngừng cuộn xé trong lòng họ, bởi anh vẫn còn vật lộn đâu đó trong mưa lũ để tìm đường trở về.
Trước tình hình này, ngày 12/10, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã trực tiếp lên Yên Bái, thăm hỏi, động viên gia đình phóng viên Đinh Hữu Dư bị nạn khi đang tác nghiệp.
Ông đã chỉ đạo các đơn vị hữu quan của TTXVN bằng mọi cách phối hợp cùng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm hiệu quả người mất tích, hỗ trợ tối đa gia đình phóng viên Đinh Hữu Dư vượt qua giai đoạn khó khăn này đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho phóng viên bị nạn khi đang tác nghiệp.
Còn chúng ta ở rất xa cầu Thia, chỉ nhìn thấy trong ảnh cây cầu đổ sập, chỉ nhìn thấy trong các đoạn video dòng nước đỏ ngầu chảy cuồn cuộn. Thật khó hình dung được ngoài thực địa như thế nào: giây phút cây cầu gãy gục; giây phút Dư rơi xuống. Anh sẽ chống chọi ra sao? Mở google map ra tìm hướng chảy của dòng nước. Đâu là những bờ đất, rặng cây nào, anh cùng các nạn nhân khác có thể bám vào? Những nơi có thể tiếp cận với dòng nước thì lực lượng cứu họ, chia thành từng nhóm 10 người đã "quần thảo" nhiều tiếng đồng hồ qua. Vậy mà Dư và các nạn nhân vẫn biệt tăm.
Ở xa Dư hàng trăm cây số, lúc này, chúng ta chỉ chờ mong một phép màu...
***
Ai cũng biết nghề báo là nghề nguy hiểm. Dấn thân vào những "điểm nóng" mà những người bình thường, không phận sự, luôn được khuyến cáo là phải tránh xa. Chiến tranh là nguy hiểm, nhưng không chỉ có chiến tranh, còn có vô số các loại giặc giữa thời bình mà nhà báo phải đối mặt. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên tai, bao gồm lũ lụt và hạn hán, v.v.. cũng là kẻ thù của người dân, vì: “Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm”.
Cuộc chiến với "giặc lụt" thấm đẫm mồ hôi và máu. Biết bao cán bộ, chiến sỹ, phóng viên đang gồng mình trong lũ dữ để làm nhiệm vụ, cứu dân, cứu lúa, hoa màu, nhà cửa... Đối với các nhà báo trong thời đại ngày nay, công nghệ có thể hỗ trợ họ phần nào trong tác nghiệp. Độ zoom của camera hay là flycam có thể giúp họ tiếp cận sự kiện từ xa hay trên cao, nhưng không thể thay thế cho việc phải dấn thân vào "tâm bão", ngay khi nó vừa diễn ra, đôi khi không thể chờ đợi sự hỗ trợ của phương tiện, thiết bị của các đơn vị chức năng. Bởi nhà báo còn là người nhập cuộc nơi tuyến đầu để mang những tin tức cập nhật, hữu ích cho việc quản lý, điều hành của nhà quản lý.
Vì thế, đằng sau những thông tin, hình ảnh trực tiếp nhất về lũ dữ là biết bao gian nguy mà họ phải đối mặt. Họ không chỉ là người quan sát, đưa tin, mà còn là người nhập cuộc cùng với người dân trong cuộc chiến với "giặc lụt" và đối mặt với việc chính họ cũng có thể bị biến thành nạn nhân.
***
Từ khi Dư mất tích khi tác nghiệp trên cầu Ngòi Thia, chúng ta bỗng thấy nhiều thứ hơn khi xem những khuôn hình về mưa lũ. Cảm xúc không chỉ ở phía trước ống kính mà còn cả ở phía sau.
Đinh Hữu Dư đã nhập cuộc chống "giặc lụt" ở Yên Bái như thế. Chắc chắn Dư không bỏ cuộc khi chống chọi với nước lũ, và vì thế chúng ta cũng sẽ không bỏ cuộc, không rời bỏ niềm tin rằng Dư sẽ trở về...
Đông Kinh