Đáng thương hay đáng giận?
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin người cán bộ thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình thu lại tiền cứu trợ lũ lụt của dân đang khiến dư luận bất bình.
- TTXVN ủng hộ đồng bào miền Trung
- MC Phan Anh đã quyên được 2 tỷ ủng hộ đồng bào miền Trung
- Gần 21 tỉ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai
Tuy nhiên, sau khi các đoàn cứu trợ về, cán bộ thôn đã tới những hộ gia đình vừa được giúp đỡ để... thu lại tiền cứu trợ. Điển hình, một gia đình khác được hỗ trợ 500 ngàn đồng bị thu lại 400 ngàn đồng.
Theo thông tin tới thời điểm hiện tại, mục đích thu tiền của cán bộ thôn là để chia đều tiền cứu trợ cho tất cả các hộ dân trong thôn cùng chịu trận trước con lũ dữ. Sau khi gặp phản ứng từ phía dư luận, thôn đã hoàn trả đầy đủ tiền cho các hộ dân bị thôn thu kèm những lời xin lỗi.
Nhiều người dân thôn Trung Sơn rất bất bình trước việc làm của cán bộ thôn khi thu lại tiền hỗ trợ. Ảnh: M. Tuấn - Người lao động
Và, với những thông tin như vậy, cho đến lúc này, có lẽ chúng ta nên sòng phẳng và khách quan để nói rằng: các cán bộ thôn chưa có dấu hiệu tư lợi cá nhân. Và các đồng tiền từ thiện cũng chưa có dấu hiệu "lạc" vào túi riêng của họ, như nhiều người lo ngại.
Nói cách khác, họ vẫn đang cố hết sức để cùng thôn khắc phục lũ theo cách họ cho là đúng. Và, chuyện "ăn trên lưng đồng bào" như những lời nhận xét gay gắt cũng chưa đủ chứng cớ đủ thuyết phục.
Trước áp lực của dư luận, cũng như những "nhạy cảm" về chuyện xử lý tiền cứu trợ từng xảy ra một số nơi trong quá khứ, có lẽ những cán bộ này cũng có phần đáng thương khi bị dư luận tấn công quá đà.
***
Tuy nhiên, dù tâm những người "vác tù và hàng tổng" ở thôn Trung Thôn có thể chưa vấy bẩn, song vẫn phải khẳng định: cách làm của họ đã sai. Sai hoàn toàn.
Bởi, việc tổ chức thu lại tiền cứu trợ trực tiếp là trái pháp luật. Việc tự ý coi mình có quyền "phân phối lại" nguồn viện trợ là lạm quyền. Việc cào bằng tiền viện trợ theo nhân khẩu là tư duy cứng nhắc.
Thậm chí, đã có thông tin rằng cán bộ thôn tại đây tạo áp lực và "đe" rằng các gia đình không đưa lại tiền sẽ không đưa vào danh sách các đợt cứu trợ khác. Nếu điều này là có thật, đây là sự vi phạm tới vấn đề đạo đức. Những người đứng đầu thôn, với chút quyền nhỏ, đã không còn liêm chính khi thực hiện kế hoạch có vẻ công bằng của mình.
Không một ý tưởng tốt đẹp nào của cán bộ được phép thực hiện từ áp đặt và xâm phạm quyền lợi chính đáng của người dân!
***
Cán bộ thôn đã sai. Chừng mức sai cũng đã rõ. Nhưng, câu chuyện "cào bằng" tiền từ thiện lại gợi mở nhiều hơn về sức ép của từ thiện với địa phương. Người miền Trung nói chung và thôn Trung Thôn hẳn cũng quen với các đoàn từ thiện. Mảnh đất dữ gánh nhiều thiên tai đã là "hàn thử biểu" cho tấm lòng của đồng bào của cả nước từ bao đời.
Song, thời gian gần đây, việc người dân trực tiếp tới rốn lũ làm từ thiện nhiều hơn. Điều này đòi hỏi những người đứng đầu ở cơ sở cần có sự linh hoạt hơn trong việc tạo điều kiện cũng như hỗ trợ hiệu quả các nhóm thiện nguyện. Cách làm cũ, tư duy cũ đã không còn thích hợp với thực tế mới.
Thực tế mới ở đây theo lời cán bộ thôn Trung Thôn: tính đến ngày 24/10, đã có 16 đoàn từ thiện từ khắp nơi đến thôn trao quà hỗ trợ người dân.
Trước mắt, ít ra, họ cũng cần sự hỗ trợ từ phía những người đi làm từ thiện. Cụ thể, gần đây, đã có đề xuất cho rằng nên lập một ứng dụng trên điện thoại di động dành cho những người đi làm từ thiện ở những vùng thiên tai.
Theo đó, từng nhóm đơn lẻ đi làm từ thiện sẽ đánh dấu các địa điểm mình sẽ tới cùng việc ghi rõ lượng hàng hóa, tiền dự kiến hỗ trợ. Các nhóm khác nhìn vào bản đồ để thấy những vùng rốn lũ khác đang bị bỏ quên. Từ đó, các cán bộ địa phương cũng có thể chủ động đón tiếp số đoàn sẽ tới chỗ mình để cùng góp ý, bàn bạc nhằm xử lý nguồn viện trợ hiệu quả, thỏa đáng.
Tất nhiên, đó chỉ là một trong nhiều đề xuất. Nhưng, mọi đề xuất đều đáng chú ý, khi nhìn tới câu chuyện lùng bùng rất khó xử của những cán bộ địa phương khi "lũ viện trợ" về.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa