Đằng sau nỗi lo sợ 'bảo mẫu'
(Thethaovanhoa.vn) - Điều gì sẽ đến với con trẻ của chúng ta thời đại này, nếu không có các mạng xã hội?
- Hai bảo mẫu ở Gò Vấp thừa nhận hành vi bạo hành trẻ
- Những bảo mẫu 'ác quỷ' khiến dư luận phát sợ về độ dã man
- Bảo mẫu đánh chết trẻ và cái giật mình sực tỉnh của đám đông
Rồi, câu hỏi ấy lại được lặp lại, khi vài ngày qua, báo giới đưa tin về câu chuyện của một cháu bé 4 tuổi bị cô giáo phạt nhốt vào nhà vệ sinh và cứ thế bỏ quên đi về. Đến tối, cô mới nhớ ra khi nghe... loa phát thanh thông báo tìm cháu bé bị lạc.
Những câu chuyện liên quan đến cách mà con trẻ được đối xử như thế đang ngày càng trở nên nhức nhối, đang lan truyền trên mạng xã hội và gây phẫn nộ cho nhiều người.
Một mối lo lắng và thậm chí, có cả hoảng sợ, đã lan tỏa, Kèm theo đó, như một lẽ đương nhiên, là sự ngờ vực và mất niềm tin: Liệu con cái ta có được an toàn không? Liệu có gì xấu xí đã xảy ra với nó ở trường - mà vì lí do nào đó nó không nói?
Tất cả xảy ra trong hoàn cảnh mà những clip về bạo lực học đường giữa học sinh xuất hiện nhan nhản, những vụ ấu dâm được đưa lên mặt báo gây chấn động dư luận và tạo ra một ấn tượng kinh khủng: môi trường giáo dục nói riêng và an ninh với trẻ em nói chung là rất tệ.
***
Nhưng trong câu chuyện này, cũng nên có một góc nhìn khác nữa, khách quan, theo một hướng mà chúng ta cần nhìn nhận một cách nhân văn: những người giáo viên ấy có phải là những con quỷ không?
Điều gì đã khiến họ hành xử bộc phát như thế trong hoàn cảnh nhất định, hay đó là bản chất tàn nhẫn của họ với con trẻ? Việc thiếu kiên nhẫn trước những trường hợp mà kiến thức sư phạm, khả năng dạy trẻ và ý thức sống của họ, đã biến họ trở thành những con quỷ trong mắt cộng đồng?
Trong khi, trước sau họ cũng vẫn là những con người, đã phạm sai lầm và hoàn toàn có thể được tha thứ nếu nhận ra lỗi lầm của mình và có thể sửa chữa.
Tôi không bênh vực những giáo viên như thế. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, ta cần có những cái nhìn đa chiều để hiểu điều gì đã xảy ra với họ.
Những vụ bạo hành với học sinh thực ra không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Thỉnh thoảng vẫn có những chuyện tương tự xảy ra ở nhiều nước, tại nhiều cấp học, trong đó có cả cấp mẫu giáo. Trong những trường hợp ấy, sự công khai và minh bạch của nhà trường cũng như các cơ quan giáo dục cấp cao hơn là vô cùng cần thiết, để tạo ra một cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh và giữa phụ huynh với người giáo viên - thay vì chỉ tìm giải pháp bảo vệ trẻ và giám sát trường lớp bằng các camera lắp ở khắp nơi.
Trong nhiều trường hợp ở châu Âu, các giáo viên bạo hành học sinh được kiểm tra sức khỏe để nhận biết các dấu hiệu stress đã ảnh hưởng đến cách hành xử của họ, đồng thời cũng được đi bồi dưỡng lại năng lực sư phạm. Và xã hội cũng không hề có thái độ khinh bỉ hoặc gạt bỏ họ khỏi cộng đồng. Chỉ những trường hợp rất nặng, pháp luật mới can thiệp.
Ở ta, cách hành xử với họ khác hẳn. Tôi vẫn nhớ như in những tấm ảnh về hai cô bảo mẫu trong đồn công an bị phóng viên chĩa máy ảnh vào chụp lia lịa. Những bức ảnh đó được lan truyền trên mạng. Xã hội ném đá họ, gạt họ khỏi cộng đồng, khinh bỉ và sỉ nhục họ. Bản thân họ bị gạt sang bên lề, và có thể nhiều người không quay lại làm nghề được nữa.
Cùng với chuyện về những bảo mẫu bạo hành trẻ, trường hợp của bảo mẫu Thiên Lý, người phạm lỗi trong quá khứ, cũng đang được dư luận quan tâm. Cô đã sai lầm, đã từng bị ném đá, lăng nhục và chửi bới, đã trải qua một phần đời sau đó trong sự bình yên của một giáo xứ. Và bây giờ, khi trở lại mặt báo, người ta thấy cô nói mình đã hiểu mọi chuyện và đáng được tha thứ.
Điều gì đã dẫn đến nhận thức ấy, những cơn "bão mạng", sự trả giá, hay sự trỗi dậy của bản năng làm mẹ khi cô đang mang thai? Tôi chưa rõ, nhưng cô vẫn là con người - bất kể Google có nhận ra con người mới của cô hay không…
Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa