Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019: Hội thảo quốc tế chủ đề sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019, ngày 13/5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững”. Đây là chủ đề nhận được nhiều tham luận nhất của các học giả.
Tại hội thảo, các học giả đã tập trung thảo luận làm rõ chánh niệm là gì, lãnh đạo bằng chánh niệm là gì, kỹ năng lãnh đạo - thách thức của các nước trên thế giới.
Trong tham luận về vấn đề: cách tiếp cận chánh niệm và lãnh đạo bằng chánh niệm, diễn giả Thích Minh Thành (Việt Nam) cho rằng, chánh niệm đóng vai trò như con đường ngắn hơn xây dựng phẩm chất cho các nhà lãnh đạo. Chánh niệm phản ánh những tấm gương trong đời thực, điểm cốt lõi của chánh niệm là con đường ngắn nhất đưa đến thành đạo. Để đạt được hòa bình bền vững, phải thực hành chánh niệm từ bên trong bản thân, phải nâng cao khả năng thực hành chánh niệm, kết hợp kỹ năng lãnh đạo với chánh niệm…
Với tham luận “Lãnh đạo chính niệm - mô hình để đạt được nền hòa bình đích thực”, học giả Young Ho Lee (Hàn Quốc) cho rằng, hòa bình bền vững có thể được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo tài ba ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: chính trị xã hội, kinh tế, văn hóa và tôn giáo trên bình diện địa phương và toàn cầu. Những nhà lãnh đạo này phải có chánh tư duy để quan tâm chăm lo cho người dân ở mọi tầng lớp xã hội, ở những quốc gia khác nhau và trên thế giới. Nhà lãnh đạo phải thực sự có có trí tuệ, sống cuộc đời chánh niệm và an lạc.
An lạc cơ bản được phát triển trong và từ trí tuệ của con người. Sẽ không có hòa bình thực sự nếu như không có an tĩnh trong tâm hồn. Nếu như tâm thức của chúng ta đều an lạc và từ bi, xã hội và thế giới này sẽ tràn ngập bình an và nhân văn. Để nuôi dưỡng sự an lạc và trí tuệ, dường như hành thiền là một trong những cách tốt nhất và hiệu quả nhất. Hành thiền không chỉ tốt cho sự an lạc của tâm thức mà còn đạt được sự khai sáng và chánh niệm trong từng lời nói và hành động.
Tại hội thảo, các học giả của nhiều nước đã tập trung thảo luận về các vấn đề: công dân và tính bền vững toàn cầu - mô hình Phật giáo đương đại; những nhân tố triết học chính trị trong hệ kinh Pali và những hàm ý cho vấn đề lãnh đạo toàn cầu và quan hệ chính trị bền vững; phật tử đóng góp được gì cho thế giới; vai trò lãnh đạo chánh niệm trong mang lại hòa bình bền vững; ứng dụng của phật giáo đối với những thay đổi trong xã hội hiện đại; rèn luyện lãnh đạo chánh niệm mang lại hòa bình thế giới; góc nhìn về các phẩm chất lãnh đạo chính niệm và tinh thần cho hòa bình và phát triển bền vững…
Thông qua hội thảo, các học giả đã làm rõ hơn khái niệm nhận thức và thực hành chánh niệm, đồng thời đưa ra khuyến nghị về những phương thức, mô hình để rèn luyện các giá trị tinh thần đặc biệt là chánh niệm và từ bi tâm cho các nhà lãnh đạo toàn cầu, giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các chính sách giải quyết những vấn đề đương đại trên thế giới như: mô hình phát triển, hòa hợp gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường...
Nguyễn Chinh/TTXVN