Đại hội VFF khoá VIII: Hạ nhiệt 'điểm nóng nhân sự'
(Thethaovanhoa.vn) - Công tác nhân sự vốn đang là điểm nóng của Đại hội VFF khóa VIII mới được “hạ nhiệt” bằng quyết định cho phép các tổ chức thành viên VFF có quyền đề cử bổ sung ứng cử viên vào Ban Chấp hành (BCH) Liên đoàn tới hết ngày 31/3/2018.
- Tuyển Việt Nam tập hồi phục tại khách sạn, bầu Đức 'mất ngủ' vì VFF
- VFF hợp tác chiến lược với bóng đá Hàn Quốc
- Báo Hàn hết lời khen siêu phẩm Xuân Trường, một ứng viên Phó Chủ tịch VFF nữa rút lui
Với quyết định này, các tổ chức thành viên của VFF sẽ có thêm thời gian và điều kiện để để cân nhắc và lựa chọn cho các đề cử của mình.
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, rất có thể quyết định gia hạn thời gian đề cử của VFF sẽ giúp cuộc đua đến các chức danh lãnh đạo cao cấp của VFF khóa VIII không còn tình trạng chỉ một ứng viên cho một vị trí.
Đi tìm nguồn gốc yêu cầu ứng viên phải có bằng Đại học
Trong thời gian vừa qua, đã có một số ý kiến chỉ trích nhắm vào việc Tiểu ban Nhân sự Đại hội VFF khóa VIII đưa ra yêu cầu ứng viên cho các vị trí từ Phó Chủ tịch VFF trở lên phải có bằng Đại học.
Để làm rõ thông tin về việc có phải Tiểu ban Nhân sự cố tình đưa ra yêu cầu về bằng cấp này để làm khó một số ứng viên thì chúng tôi đã có cuộc điều tra và nhận được kết quả cụ thể.
Theo đó, ngày 2/1/2018, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã có văn bản gửi BCH xin ý kiến về đề án nhân sự BCH VFF khóa VIII. Sau khi tổng hợp ý kiến phản hồi lần 1, thì ngày 23/1/2018, Tiểu ban Nhân sự Đại hội VFF khoá VIII đã gửi thư điện tử cho các Ủy viên BCH và thành viên Thường trực VFF để đề nghị cho ý kiến lần 2 về các tiêu chuẩn với ứng viên cho các vị trí Ủy viên BCH, Phó Chủ tịch và Chủ tịch VFF.
Trước khi gửi thư cho các Ủy viên BCH và thành viên Thường trực VFF, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã báo cáo Tổng cục TDTT về vấn đề này và được chấp thuận.
Đến ngày 29/1/2018, qua 2 lần Tiểu ban Nhân sự lấy ý kiến các Ủy viên BCH và thành viên Thường trực VFF, dự thảo Đề án nhân sự Ban chấp hành VFF khóa VIII nhiệm kỳ 2018 - 2022 đã được BCH VFF khóa VII thống nhất trình Đại hội VFF khóa VIII xem xét, thông qua.
Để bảo đảm tính khách quan trong công tác nhân sự, Tiểu ban Nhân sự không có sự hiện diện của bất kỳ ứng viên cho các vị trí từ BCH đến Thường trực VFF khóa VIII.
Cụ thể, thành viên Tiểu ban Nhân sự đã được BCH VFF khóa VII thông qua tại Đại hội thường niên năm 2017 là Trưởng ban Lê Hùng Dũng, Chủ tịch đương nhiệm VFF, các thành viên là Trưởng Ban Kiểm tra Nguyễn Nam Hùng; ông Nguyễn Hiền Lương, Ủy viên BCH khóa VII ( ông Lương sẽ không tham gia BCH khóa VIII); Thư ký của Tiểu ban là TTK Lê Hoài Anh. Ngoài ra Tiểu ban Nhân sự còn có sự tham gia của 2 chuyên viên chuyên trách của VFF là bà Nguyễn Thanh Tú, Phó Phòng pháp lý và Tư cách cầu thủ và ông Lưu Quang Điện Biên, Trưởng Phòng Bóng đá phong trào và các tổ chức thành viên.
Ẩn số cuộc đua Chủ tịch VFF khóa VIII
Hiện tại, vị trí Chủ tịch VFF khóa VIII đang có 4 ứng viên nhưng trừ ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, không phải là người công tác trong ngành thể thao (nhưng ông Khế lại gắn liền tên tuổi với việc tổ chức các sự kiện bóng đá U21 và U19 báo Thanh Niên), còn 3 ứng viên khác là các ông Lê Quý Phượng, Chủ tịch Hội Khoa học TDTT Việt Nam; Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VFF khóa VII và ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình, đều là nhân sự đang thuộc quyền quản lý của Bộ VH-TT&DL.
Ông Phượng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học TDTT Việt Nam khóa I (nhiệm kỳ 2017-2021) sau khi nghỉ hưu, đang là Ủy viên BCH khóa VII và là Trưởng Ban Y học của VFF.
Còn ông Trần Quốc Tuấn là người duy nhất trong số 4 ứng viên cho vị trí Chủ tịch VFF khóa VIII đang làm chuyên trách tại VFF và ông Tuấn hiện là Ủy viên Ban Thường vụ LĐBĐ châu Á (AFC).
Ứng viên còn lại là ông Cấn Văn Nghĩa được xem là một trường hợp khá đặc biệt. Nói là đặc biệt vì trên cương vị Giám đốc Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình, ông Cấn Văn Nghĩa từng xuất hiện với vai trò nổi bật trong các cuộc tranh chấp quyền lợi cùng VFF liên quan tới vấn đề chi phí thuê sân Mỹ Đình và các điều kiện hậu cần kèm theo, nhưng nay ông Nghĩa lại đang có cơ hội tham gia ngôi nhà VFF, thậm chí còn ở vị trí lãnh đạo cao nhất.
Có một chút lăn tăn khi ông Nghĩa vẫn đang là Giám đốc Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình nên nếu đắc cử chức Chủ tịch VFF khóa VIII thì không biết ông Nghĩa sẽ xoay sở như thế nào với 2 chức vụ này, nhưng có lẽ mọi việc sẽ không quá khó khăn, vì nghe nói đến quý 3 năm nay ông Nghĩa sẽ chính thức về hưu, nên có lẽ vì thế mà vị lãnh đạo thể thao Hà Tây cũ này đang tích cực vận động, trong đó có sự trợ giúp đắc lực của một cựu cầu thủ từng tham dự Thường trực VFF cách đây hơn 10 năm.
Tuy nhiên, hiện không rõ Bộ VH-TT&DL liệu có đưa ra đề cử một nhân sự chính thức cho Đại hội VFF khóa VIII, hay sẽ để cả 3 nhân sự thuộc quyền quản lý của mình cùng tham gia tranh cử.
Cho đến thời điểm hiện tại, VFF vẫn chưa thể đưa ra thời điểm chính xác để tổ chức Đại hội VFF khóa VIII vì còn chờ Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ của ứng viên của các vị trí chủ chốt, mà riêng vị trí Chủ tịch VFF còn cần phải có cả hồ sơ tư pháp.
Vì thế, chỉ khi nào Bộ Nội vụ hoàn tất thủ tục thẩm định hồ sơ thì VFF mới có thể ấn định ngày diễn ra Đại hội, và từ nay đến lúc chính thức khai mạc Đại hội VFF khóa VIII, hẳn sẽ còn tiếp tục những cuộc vận động cả công khai cũng như âm thầm.
3. Một ứng viên đủ điều kiện tham gia Đại hội VFF khóa VIII phải thoả mãn 3 tiêu chí: Được một tổ chức thành viên của VFF giới thiệu; Đồng ý tham gia ứng cử một cách tự nguyện và Nhận được sự cho phép của đơn vị chủ quản. 17. Bộ máy BCH VFF khóa VIII sẽ được giới hạn trong con số 17 người. 66. Hiện nay VFF gồm 66 tổ chức thành viên, gồm các CLB V-League, hạng Nhất, hạng Nhì quốc gia, bóng đá nữ, futsal toàn quốc, LĐBĐ thành viên cấp tỉnh, đơn vị tổ chức các giải đấu quốc gia được Đại hội VFF công nhận tư cách thành viên. |
Hoàng Huy