Đã xuất hiện một hiện tượng dịch thuật
“Đáng khích lệ” là nhận định của 2 dịch giả Lê Quang (chuyên sách tiếng Đức) và Trang Hạ (chuyên sách tiếng Trung) tại tọa đàm “Nghề dịch thời công nghệ số” tại Trung tâm Văn hóa Heritage Space, Hà Nội cuối tuần qua.
Đụng chạm đến dịch giả “truyền thống” và bản quyền
Trường hợp dịch lại Lolita nói trên là của dịch giả Thiên Lương, người lên tiếng chỉ trích bản dịch có bản quyền trước đó của dịch giả Dương Tường. Vì lòng say mê với tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Vladimir Nabokov, Thiên Lương đã dịch lại cuốn sách và đăng lên trang VietnamLolita. Đây là một bản dịch gây tiếng vang trong cộng đồng mạng, không bản quyền và hầu như không lợi nhuận.
Đây được coi là một hiện tượng, và không dừng lại ở đó. Bản dịch Lolita của Thiên Lương gợi cảm hứng cho một dịch giả khác tên là Nguyễn Trung Kiên dịch lại tiểu thuyết 1Q84 của Haruki Murakami từ cách đây ít tháng, đăng dần lên trang New1Q84. Đây cũng là bản dịch không bản quyền và phi lợi nhuận.
Cả hai bản dịch đều có điểm chung là công khai quá trình dịch, nhận phản hồi lẫn góp ý từ cộng đồng mạng. Người dịch có ngoại ngữ tốt, có thể đọc đối chiếu bản dịch với bản gốc, am hiểu văn hóa. Qua đó có thể thừa nhận một hiện tượng dịch thuật mới: tự nguyện và có tính tương tác cao. Có thể gọi đó là những dịch giả tự do vì họ không làm việc với các đơn vị xuất bản, không mua bản quyền sách, mục đích là chia sẻ hiểu biết và niềm say mê đối với sách gốc.
Câu hỏi đặt ra là: các dịch giả truyền thống phản ứng ra sao trước hiện tượng này? “Truyền thống” ở đây có nghĩa là làm việc với đơn vị xuất bản, dịch sách đã được mua bản quyền với mục đích phát hành ra thị trường. Một vấn đề khác cũng được nêu ra, tuy việc làm của những dịch giả tự do là vô vụ lợi và mang lại những tích cực cho lĩnh vực văn học dịch, nhưng nếu việc làm này ảnh hưởng đến việc khai thác tác phẩm của những đơn vị đã mua bản quyền sách để dịch thì sẽ được giải quyết như thế nào?
Không ai dám coi bản dịch của mình là chân lý
Trước câu hỏi này của Thể thao & Văn hóa, Lê Quang - dịch giả tiếng Đức khá uy tín hiện nay cho rằng: “Tôi rất vui mừng vì hiện tượng này. Ngày trước cả miền Bắc có rất ít dịch giả, điều đó khiến đời sống văn học nghèo nàn. Ngày nay có rất nhiều dịch giả, họ tạo ra có cả thóc lẫn gạo nhưng đa dạng còn hơn là ít ỏi. Việc thẩm định rộng rãi bản dịch Lolita của Dương Tường, rồi một người đứng ra dịch lại vì tâm huyết, đó là điều rất đáng khích lệ.
Nếu tôi là dịch giả Dương Tường, tôi cũng không tự ái vì điều đó. Một cuốn sách hay được mua bản quyền nhiều lần và có nhiều bản dịch là chuyện rất bình thường ở các nền xuất bản khác.
Còn Trang Hạ nói: "Tôi cho rằng đây là hiện tượng thú vị và giúp xã hội tiến bộ. Càng có nhiều bản dịch, độc giả càng có nhiều lựa chọn. Tôi cũng nghĩ các dịch giả Việt Nam không có “cái tôi sưng vù” đến nỗi cho rằng bản dịch của mình là chân lý, là duy nhất, không ai có quyền dịch lại. Các bản dịch lại, nó mang thông điệp: Tôi không thích phong cách bản dịch cũ và tôi dịch lại theo cách tôi muốn”.
Về bản quyền của những bản dịch tự do, dịch giả Trang Hạ - vừa là dịch giả vừa là người tổ chức xuất bản nhiều dòng sách dịch chia sẻ: “Tôi nghĩ bản quyền không phải là con ngáo ộp để dọa dẫm người làm sách. Luật Bản quyền của Mỹ năm 2007 cho phép người ta sử dụng bản quyền nếu việc đó phục vụ mục đích khoa học, giáo dục, sự tiến bộ của nhân loại.
Vì vậy, họ cấm những hành động nhân danh bản quyền mà đi ngược lại những lợi ích đó. Theo đó, việc dịch lại tác phẩm được ủng hộ, miễn là để cung cấp tri thức cho người khác”.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa