Da Vinci là nghệ sĩ 3D đầu tiên của thế giới?
(Thethaovanhoa.vn) - Leonard da Vinci là bậc thầy Phục Hưng, đã quan tâm tới không chỉ nghệ thuật mà còn cả giải phẫu, địa chất, văn chương..., đã nghĩ tới các hệ thống thủy lực, máy bay sơ khai. Vì thế, có lẽ sẽ không quá quắt khi phỏng đoán ông còn là một nghệ sĩ vẽ tranh 3 chiều đầu tiên của thế giới.
Các nhà nghiên cứu người Đức Claus-Christian Carbon và Vera Hesslinger đã đưa ra nhận xét về tranh 3 chiều (3D) kể trên trong công trình khảo cứu của họ về bức tranh chân dung nổi tiếng của ông là Mona Lisa.
Những góc nhìn khác nhau
Bộ đôi này đã phân tích phiên bản nổi tiếng của bức tranh, còn được biết tới với tên La Giaconda, treo tại bảo tàng Louvre ở Paris. Họ cũng xem xét một phiên bản khác có tên Prado Mona Lisa đang treo tại bảo tàng Prado ở Tây Ban Nha.
Dựa vào đó họ kết luận 2 tác phẩm nghệ thuật này, nếu chồng lên nhau có thể mang tới hình ảnh 3D đầu tiên của thế giới. Nói một cách khách, Da Vinci đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật 3D đầu tiên của nhân loại.
Carbon và Hesslinger đã đặt cơ sở cho giả thuyết của họ dựa trên việc so sánh song song bức Mona Lisa và bức Prado - họa phẩm được giới thiệu với công chúng hồi năm 2012 như một tác phẩm của Leonardo hoặc do các học trò của ông tạo ra. Họ nói rằng đã có sự thay đổi nhỏ về góc nhìn giữa 2 tác phẩm, có nghĩa các bức chân dung được vẽ từ những điểm quan sát riêng biệt.
"Khi lần đầu nghiền ngẫm 2 bức tranh đặt bên nhau, tôi thấy rõ rằng có một sự khác biệt nhỏ về góc nhìn" - Carbon, nhà khoa học thuộc Đại học Hamburg ở Đức viết trong thư điện tử gửi cho Live Science - "Điều này đặc biệt rõ ràng nếu anh quan sát chiếc ghế mà La Gioconda ngồi. Trong phiên bản Prado, anh vẫn có thể thấy phần góc trong cùng của chiếc ghế mà La Gioconda dựa tay vào, điều không có trong phiên bản Louvre, bởi họa sĩ vẽ phiên bản Prado đã nhìn mẫu hơi nghiêng về bên trái so với họa sĩ vẽ ra phiên bản Louvre".
Có dấu vết hình ảnh 3D
Tò mò, Carbon và Hesslinger đã quyết định tính toán vị trí các họa sĩ sẽ phải ngồi để tạo ra mỗi phiên bản Mona Lisa kể trên. Họ thấy rằng sự khác biệt về phương ngang là khoảng 6,8 cm, tức rất gần với khoảng cách trung bình giữa hai con mắt của một người.
Từ đây các nhà nghiên cứu đã nghiêng về giả thuyết Da Vinci đang cố tạo ra một tác phẩm 3D. Về mặt tự nhiên, mỗi mắt chúng ta nhìn vào vật thể từ các góc nhìn khác nhau, thu lại các hình ảnh phẳng, riêng biệt. Chính bộ não đã kết hợp các hình ảnh phẳng đó lại với nhau và cho ra hình 3 chiều hoàn chỉnh mà chúng ta "thấy" trong đời thực.
Dựa vào thực tế này, Carbon và Hesslinger phỏng đoán 2 góc nhìn khác nhau được dùng để tạo ra các bức Mona Lisa ở Louvre và Prado thuộc về 1 bức ảnh 3 chiều hoàn chỉnh. Họ tin rằng chồng 2 bức tranh lên nhau, ta sẽ có một kiệt tác 3D sơ khai.
2 người đã sử dụng công nghệ hình ảnh 3 chiều đỏ - cyan để kết hợp 2 bức chân dung. Kết quả các nhà nghiên cứu thấy có những chỗ thể hiện sự lồi lõm như trong ảnh 3D tại khu vực bàn tay. Họ chỉ không rõ đây chỉ là hiệu ứng vô tình thu được, ngẫu nhiên trùng khớp, hay Da Vinci đã có chủ ý tạo ra chúng, trong nỗ lực vẽ bức tranh 3D đầu tiên.
Carbon chỉ ra rằng Da Vinci đã có thời gian nghiên cứu "tích cực" quang học và hình ảnh 3 chiều. "Tuy nhiên bất chấp rất nhiều dấu hiệu, chúng tôi vẫn không có bằng chứng ủng hộ giả thuyết của mình" - ông nói.
Giới khoa học nghi ngờ
Các nhà khoa học khác cũng rất nghi ngờ nhận định của 2 người. Nhà nghiên cứu Martin Arguin thuộc Đại học Montreal đã viết thư cho Live Science và nêu quan điểm phản đối của mình. Ông chỉ ra rằng sự khác biệt quá lớn tại nhiều phần của 2 bức tranh khiến cho giả thuyết chúng sinh ra trong một tác phẩm nghệ thuật 3D là không hợp lý. Theo ông, sự khác biệt thể hiện rõ theo chiều thẳng đứng, thay vì chiều ngang, vốn là yếu tố cần thiết để tạo ra hình ảnh 3 chiều.
"DaVinci có viết về hình ảnh thu được bằng 1 mắt và 2 mắt, cũng như đã nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của quang học như giải phẫu mắt, phản xạ ánh sáng... Ông thậm chí còn thí nghiệm với các nguồn sáng đã được biến đổi màu sắc" - biên tập viên Erika Engelhaupt của Science News nhận xét - "Chẳng biết có phải ông đã tập hợp kiến thức của mình để thấu hiểu về cách tạo ra một hình ảnh 3 chiều hay không. Nhưng các bức tranh có vẻ không phải sản phẩm kết hợp hoàn hảo để tạo ra hình ảnh 3 chiều".
Tường Linh (Theo Live Science)
Thể thao & Văn hóa