Đã có 9 người chết liên quan đến virus Marburg: Các chuyên gia nói gì về dịch bệnh với tỷ lệ tử vong lên tới 88%?
Theo các chuyên gia, khi nhiễm virus Marburg, bệnh nhân thường nặng, nằm bệt một chỗ nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia.
Theo WHO, tại Guinea Xích Đạo (một quốc gia nằm ở bờ biển phía Tây của Trung Phi) đã xác nhận đợt bùng phát bệnh đầu tiên do virus Marburg gây ra, sau cái chết của ít nhất 9 người ở tỉnh Kie Ntem phía Tây đất nước này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, virus Marburg lần đầu được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt, Đức, cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia).
31 người bệnh đầu tiên là nhân viên phòng thí nghiệm, sau đó một số lây cho nhân viên y tế khác và các thành viên trong gia đình. Họ tiếp xúc với khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Ugandan hoặc mô của chúng trong khi tiến hành nghiên cứu. WHO sau đó ghi nhận 7 trường hợp tử vong.
Vật chủ ban đầu chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi, tên Rousettus aegyptiacus. Dơi ăn quả bị nhiễm virus Marburg không có dấu hiệu bệnh tật rõ ràng. Nhưng các loài linh trưởng (bao gồm cả con người) mắc bệnh có thể phát triển triệu chứng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao.
Thời gian ủ bệnh của bệnh Marburg từ 2-21 ngày. Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế nhấn mạnh: Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.
Virus Marburg không phải bệnh mới
BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, bệnh do virus Marburg là căn bệnh đã được ghi nhận trên động vật từ lâu, không phải bệnh mới. Tuy nhiên, lưu ý đặc điểm quan trọng của virus Marburg là khi lây bệnh thì tỉ lệ tử vong khá cao, đến 70-80%. Người dân không nên quá hoang mang do khả năng lây lan của bệnh này tương đối thấp.
Lần đầu tiên chúng ta ghi nhận virus Marburg lây trên người là từ phòng thí nghiệm ở Marburg, Đức, tuy nhiên bệnh nhanh chóng được khoang vùng và khống chế. Sau đó cũng đã xuất hiện một vài vụ dịch lẻ tẻ ở Châu Phi, được xác định lây từ động vật sang người.
"Đặc điểm của virus Marburg là khi lây bệnh thì tỉ lệ tử vong khá cao, thậm chí đến 70-80%. Chính vì vậy với người mắc bệnh, đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, do đó căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Ngoài ra, khi nhiễm virus Marburg, bệnh nhân thường nặng, nằm bệt một chỗ nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia. Nhìn chung, tỉ lệ lây virus Marburg thấp hơn so với nhóm bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc bệnh không có triệu chứng", BS. Cấp nêu rõ.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay, virus Marburg cũng xuất hiện với những ca bệnh ở Châu Phi. Thực tế, virus Marburg lây lan ra các quốc gia ở các châu lục khác đều rất hiếm. Ngoại trừ, khi có những ca bệnh mắc ở Châu Phi về thì quốc gia đó ghi nhận những ca xâm nhập. Cũng như tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nguy cơ virus Marburg lây nhiễm, bùng phát về Việt Nam rất thấp, không cao.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý, đặc điểm của virus Marburg gây nên triệu chứng bệnh nặng, sốt xuất huyết, với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg có triệu chứng gần giống virus Ebola: Xuất huyết, tổn thương da, niêm mạc…
"Do đó, người dân không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, quan ngại. Người dân cần áp dụng tốt các biện pháp phòng bệnh. Nếu có những ca xâm nhập từ Châu Phi về nước, nếu người dân có những triệu chứng của bệnh, cần khai báo ngay với địa phương, cơ sở y tế, thực hiện biện pháp cách ly, không tiếp xúc với người khác để tránh lây lan", PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Cũng trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ học, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh thông tin, virus Marburg lây khi chất tiết của người bệnh xuyên qua da hay niêm mạc của người khác. Đặc biệt, Marburg không lây qua muỗi hay côn trùng cắn và không lây qua đường hô hấp nên không quá đáng lo ngại.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để đối phó với tình hình lây lan phức tạp của dịch bệnh, cần đưa ra một loạt các biện pháp và áp dụng đồng thời để mang lại hiệu quả như: phát hiện kịp thời ca bệnh khi mới phát sinh, tìm kiếm những người đã tiếp xúc và có khả năng bị lây nhiễm virus, cách ly và khoanh vùng những địa phương có ca bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan cộng đồng, tuyên truyền cho mọi người biết thông tin về virus Marburg,…
Với sự lây nhiễm của virus Marburg, người dân hãy hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh và đặc biệt, khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà, phải mang găng tay, đồ bảo hộ được khuyên dùng. Người dân cần rửa tay thường xuyên sau khi thăm người bệnh tại bệnh viện, hoặc sau khi chăm sóc họ tại nhà.
Đánh giá rủi ro của WHO về dịch bệnh do virus Marburg
Theo WHO, thời gian ủ bệnh thay đổi từ hai đến 21 ngày. Bệnh do virus Marburg (MVD) gây ra bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu nghiêm trọng. Tiêu chảy nặng, đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu vào ngày thứ ba.
Các biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng xuất hiện từ năm đến bảy ngày kể từ khi các triệu chứng khởi phát và các trường hợp tử vong thường có một số dạng chảy máu, thường là từ nhiều vùng.
Trong những trường hợp tử vong thường xảy ra nhất trong khoảng từ tám đến chín ngày sau khi khởi phát triệu chứng, thường xảy ra trước khi mất máu nghiêm trọng và sốc.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, chẩn đoán lâm sàng MVD rất khó phân biệt với nhiều bệnh sốt nhiệt đới khác do các triệu chứng lâm sàng giống nhau.
WHO nhận định, việc kiểm soát bùng phát dịch bệnh do virus Marburg dựa vào việc sử dụng một loạt các biện pháp can thiệp, cụ thể là quản lý ca bệnh, giám sát bao gồm truy tìm người tiếp xúc, dịch vụ xét nghiệm tốt, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm bao gồm chôn cất an toàn và đàng hoàng cũng như vận động xã hội. Sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát thành công các đợt bùng phát MVD.
Các biện pháp ngăn chặn bùng phát bao gồm chôn cất nhanh chóng, an toàn và đàng hoàng những trường hợp đã tử vong, xác định những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm Marburg và theo dõi sức khỏe của họ trong 21 ngày, cách ly và chăm sóc những bệnh nhân đã được xác nhận và duy trì vệ sinh tốt và sạch sẽ môi trường.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc MVD nên áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm bổ sung bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn để tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của bệnh nhân cũng như với các bề mặt và đồ vật bị nhiễm bẩn.
WHO khuyến cáo nam giới sống sót sau MVD thực hành tình dục và vệ sinh an toàn hơn trong 12 tháng kể từ khi xuất hiện các triệu chứng hoặc cho đến khi tinh dịch của họ hai lần xét nghiệm âm tính với virus Marburg. Nên tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể và nên rửa bằng xà phòng và nước. WHO không khuyến nghị cách ly bệnh nhân nam hoặc nữ đang hồi phục có xét nghiệm máu âm tính với virus Marburg.
Tuy nhiên, WHO từng khuyến cáo không nên hạn chế đi lại và/hoặc buôn bán tới Guinea Xích đạo dựa trên thông tin hiện có về đợt bùng phát hiện tại.
Bộ Y tế yêu cầu giám sát dịch Marburg có khả năng tử vong lên tới 88%: Nắm rõ ngay con đường lây truyền và dấu hiệu mắc bệnh để phòng ngừa