Bộ Y tế yêu cầu giám sát dịch Marburg có khả năng tử vong lên tới 88%: Nắm rõ ngay con đường lây truyền và dấu hiệu mắc bệnh để phòng ngừa
Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao từ 50-88%.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg không để dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng...
Đường lây truyền của dịch bệnh
Ngày 14/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại Guinea Xích đạo tử vong vì sốt xuất huyết do virus Marburg (MVD). Vật chủ chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi, Rousettus aegyptiacus.
Bệnh do virus Marburg là một bệnh gây xuất huyết hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng, có tỷ lệ tử vong ca bệnh lên tới 88%.
Đáng nói, Marburg lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp (qua da hoặc niêm mạc bị rách) với máu, dịch tiết, cơ quan hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh, và với các bề mặt và vật liệu (ví dụ: giường, quần áo) bị nhiễm các chất dịch này. Nhân viên y tế trước đây đã bị nhiễm bệnh trong khi điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác nhận MVD. Các nghi lễ chôn cất có tiếp xúc trực tiếp với thi thể của người quá cố cũng có thể góp phần vào việc lây truyền bệnh Marburg.
Dấu hiệu và thời gian ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh thay đổi từ hai đến 21 ngày. Bệnh do virus Marburg gây ra bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu nghiêm trọng. Tiêu chảy nặng, đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu vào ngày thứ ba.
Các biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng xuất hiện từ năm đến bảy ngày kể từ khi các triệu chứng khởi phát và các trường hợp tử vong thường có một số dạng chảy máu, thường là từ nhiều vùng.
Trong những trường hợp tử vong thường xảy ra nhất trong khoảng từ tám đến chín ngày sau khi khởi phát triệu chứng, thường xảy ra trước khi mất máu nghiêm trọng và sốc.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, chẩn đoán lâm sàng MVD rất khó phân biệt với nhiều bệnh sốt nhiệt đới khác do các triệu chứng lâm sàng giống nhau.
Các bệnh sốt xuất huyết do virus khác cần được loại trừ, bao gồm bệnh do virus Ebola, cũng như bệnh sốt rét, sốt thương hàn, bệnh leptospirosis, nhiễm trùng do rickettsia và bệnh dịch hạch. Phòng thí nghiệm có thể xác nhận bằng các xét nghiệm khác nhau, chẳng hạn như xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme bắt kháng thể (ELISA), xét nghiệm phát hiện bắt giữ kháng nguyên, xét nghiệm trung hòa huyết thanh, xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR), kính hiển vi điện tử và virus phân lập bằng nuôi cấy tế bào.
Mặc dù không có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được chấp thuận để điều trị virus, nhưng chăm sóc hỗ trợ - bù nước bằng chất lỏng uống hoặc truyền tĩnh mạch - và điều trị các triệu chứng cụ thể giúp cải thiện khả năng sống sót. Một loạt các phương pháp điều trị tiềm năng đang được đánh giá, bao gồm các sản phẩm máu, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp dùng thuốc.
Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh
Để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.
Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Các đơn vị cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng. Song song với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.
Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
Các đơn vị thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài cần chủ động đưa tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống để người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu cần hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.
Các đơn vị cũng cần rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).
Đã có hơn 1.000 trẻ mắc virus hợp bào hô hấp: 5 dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh