Cựu trợ lý Sỹ Mạnh hành hung học trò lọt vào top 10 sự kiện BĐ Việt Nam năm 2017
Đội tuyển nữ bảo vệ thành công HCV SEA Games 29, Quảng Nam vô địch V-League, U23 Việt Nam thảm bại tại SEA Games 29 hay sau 10 năm, đội tuyển Việt Nam mới giành quyền tham dự sân chơi lớn nhất châu lục có thể xem là những sự kiện nổi bật trong năm qua.
- 10 sự kiện tiêu biểu của Thể thao Việt Nam 2016
- 10 sự kiện thể thao quốc tế tiêu biểu 2016
- 10 sự kiện thể thao nổi bật năm 2015 do Thể thao & Văn hóa bầu chọn
1. Đội tuyển nữ Việt Nam khẳng định ngôi Hậu khu vực Đông Nam Á
Dù vẫn chưa được quan tâm như các đồng nghiệp nam nhưng hình ảnh các cầu thủ nữ lăn xả hết mình vì màu cờ sắc áo để giành vô số vinh quang về cho bóng đá nước nhà chính là niềm an ủi tinh thần vô giá cho các CĐV Việt Nam.
Năm 2017 lại là một năm đáng nhớ của thầy trò HLV Mai Đức Chung khi lần thứ 5 các cô gái đoạt tấm HCV SEA Games 29. Trước đó, đội tuyển đã vô địch các năm 2001, 2003, 2005 và 2009. Chiến tích này san bằng kỷ lục của đội tuyển nữ Thái Lan.
Nhưng quan trọng hơn cả, thành tích của các cô gái đã “cứu vãn” cả bóng đá khu vực khi không cho Thái Lan tái lập kỳ tích thâu tóm cả 4 HCV bóng đá (từ futsal đến bóng đá sân cỏ) như SEA Games 2013 tại Myanmar.
Đội tuyển nữ Việt Nam kết thúc năm 2017 với vị trí thứ 32 thế giới, kém Thái Lan (số 1 Đông Nam Á) với vị trí thứ 30. Năm 2018 hứa hẹn sẽ đầy khó khăn với thầy trò Mai Đức Chung khi đội tuyển phải tham dự đấu trường châu Á vào tháng 4.
Ở giải đấu diễn ra tại Jordan, Việt Nam đặt mục tiêu giành quyền hướng tới World Cup 2019 ở Pháp. Nhưng dù dễ dàng vượt qua vòng loại, kết quả bốc thăm lại khiến thầy trò HLV Mai Đức Chung rơi vào bảng đấu quá nặng ký gồm Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc.
2. Đội tuyển Việt Nam chính thức có vé dự VCK ASIAN Cup 2019
Sau 10 năm kể từ ngày là đồng chủ nhà ASIAN Cup 2007, khi AFC quyết định nâng số lượng tham dự VCK ASIAN Cup từ 16 lên 24, Việt Nam mới có suất trở lại đấu trường số 1 châu Á.
Thành quả này có được đầy gian nan, điển hình là phải qua 3 đời HLV (từ Hữu Thắng đến Mai Đức Chung và cuối cùng là Park Hang Seo), đội tuyển mới làm được điều an ủi cho CĐV nhà.
3. Futsal Việt Nam giành vé dự VCK châu Á 2018
Tại giải vô địch futsal Đông Nam Á 2017 diễn ra ở Nhà thi đấu Phú Thọ tháng 11 năm nay, đội tuyển futsal Việt Nam có vị trí thứ 4 và chính thức đoạt vé tham dự VCK futsal châu Á 2018.
Dù không hoàn thành mục tiêu vào trận chung kết nhưng thành tích đó cũng tạm chấp nhận được với người làm chuyên môn khi đội tuyển vừa có HLV mới. Trước đó, đội tuyển futsal Việt Nam cũng giành HCĐ SEA Games 29 và vào tứ kết Đại hội thể thao trong nhà châu Á.
Đến VCK futsal châu Á tại Đài Loan Trung Quốc tháng 2/2018, futsal Việt Nam nằm ở bảng đấu được xem là nhẹ ký với đội chủ nhà, Malaysia và Bahrain. Mục tiêu vào tứ kết là nằm trong khả năng nhưng ở bảng B, đối thủ rất mạnh là Nhật Bản và á quân Uzbekistan đã chờ sẵn.
Tuy nhiên, giải đấu này không được xem là thước đo để lấy vé tham dự World Cup futsal 2020. Mục tiêu lớn khác trong năm 2018 của futsal Việt Nam là giải Đông Nam Á tổ chức vào tháng 9.
4. U15 Việt Nam vô địch Đông Nam Á; U16, U19 Việt Nam vào VCK châu Á 2018
Thầy trò HLV Vũ Hồng Việt đã lập đại công khi giành chức vô địch U15 Đông Nam Á ngay trên đất Thái Lan và bại tướng của họ không ai khác chính là đội chủ nhà. U15 Việt Nam là đại diện cho một năm thành công của bóng đá trẻ nước nhà khi sau đó, chính đội bóng này giành quyền lọt vào VCK U16 châu Á 2018.
Ngoài ra, U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng giành tấm vé trực tiếp tham dự VCK U19 châu Á 2018. Thầy trò ông Tuấn đang hướng đến giải châu lục nhằm tìm kiếm thêm một chiến tích tham dự U20 World Cup như đã từng làm được.
5. U23 Việt Nam thảm bại tại SEA Games 29
Mục tiêu quan trọng nhất trong năm của bóng đá Việt Nam đã đổ sông đổ bể dưới tay HLV Nguyễn Hữu Thắng. Từ chỗ là HLV nội được kỳ vọng khi dẫn dắt thế hệ được cựu danh thủ thế hệ vàng Nguyễn Hồng Sơn đánh giá là “đáng xem thứ 3 trong lịch sử bóng đá Việt Nam”, U23 Việt Nam như “HAGL mở rộng”… đã thất bại cay đắng trên đất Malaysia.
Và cũng vì không hoàn thành mục tiêu sau gần 6 thập kỷ đằng đẵng chờ đợi nên bóng đá Việt Nam vẫn như người đi loanh quanh để gánh chịu vô số chỉ trích. Giải pháp chọn HLV ngoại người Hàn Quốc sau những thất bại của thầy nội cho thấy điều này.
6. U23 Việt Nam giành quyền tham dự VCK U23 châu Á
Đây là thành tích vớt vát niềm tin cho các CĐV nước nhà sau khi đội bóng này thất bại trong chiến tích “săn” vàng SEA Games 29. Sự kiện sẽ hâm nóng những ngày đầu năm 2018 của thể thao Việt Nam.
Hiện tại, thầy trò HLV Park Hang Seo đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị để lên đường đến Trung Quốc. U23 Việt Nam sẽ có trận chính thức đầu tiên ngày 11/1 gặp U23 Hàn Quốc. Ngày 14/1, đội sẽ chạm trán U23 Australia và đến ngày 17/1, đội sẽ có trận đấu với U23 Syria. Các đối thủ rất nặng ký và thách thức lớn đang chờ đợi thầy trò HLV Park Hang Seo.
7. Quảng Nam vô địch V-League 2017
Thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc là bất ngờ lớn nhất trong năm 2017 của giải đấu số 1 Việt Nam. Dù không được đánh giá cao trước giờ bóng lăn nhưng Quảng Nam lại lên ngôi trước mũi nhiều ông lớn khác của bóng đá Việt Nam như Hà Nội, FLC Thanh Hóa.
8. V-League và những tiếng thở dài
Tháng 2/2017, sự cố Long An trên sân Thống Nhất giữa đội khách và TP.HCM đã khiến dư luận trong và ngoài nước dậy sóng. Cựu vô địch V-League 2005 và 2006 sau đó nhận án phạt rất nặng từ cầu thủ (Minh Nhựt, Quang Thanh) đến lãnh đạo CLB (HLV Ngô Quang Sang, Chủ tịch Võ Thành Nhiệm)…
Long An sau đó tụt dốc không phanh và lần thứ 2 họ phải rơi xuống hạng Nhất. Trọng tài Nguyễn Trọng Thư, người được phía Long An cho là “hung thần” hôm đó, cũng “rơi đài” vì nguyên nhân không liên quan là không đảm bảo thể lực ở kỳ kiểm tra trọng tài giữa mùa giải.
Ngoài sự cố Long An, V-League 2017 còn những lùm xùm về bóng đá bạo lực liên quan đến bộ đôi cầu thủ Hà Nội (Sầm Ngọc Đức và Nguyễn Văn Quyết). Ngoài ra, giải đấu còn bị các CLB liên tục kêu than về công tác trọng tài. Đến nỗi mùa giải 2018 chưa khởi tranh nhưng VFF đã “báo động đỏ” khi có thể trọng tài không đào tạo kịp để cung cấp.
Chức vô địch của Quảng Nam cũng không được đánh giá cao khi giới chuyên môn nhận định V-League 2017 quá dài, tốn quá nhiều công của cho các CLB và không hấp dẫn người xem. Đội bóng miền Trung có chức vô địch nhưng lại mang tiếng ngay sau đó vì CLB không đủ chuẩn tham dự sân chơi châu Á và phải xin nhường suất lại cho FLC Thanh Hóa.
9. PVF hợp tác với Manchester United
Lần đầu tiên một lò đào tạo của Việt Nam có bước tiến lớn khi hợp tác với đối tác hàng đầu thế giới. Sự có mặt của 2 huyền thoại Manchester United là Ryan Giggs và Paul Scholes bảo đảm cho thương hiệu PVF – lò đào tạo lớn nhất Việt Nam hiện tại.
PVF với cơ sở vật chất hiện đại tầm cỡ số 1 khu vực và những chuyên gia nội lẫn ngoại chuyên đảm trách đào tạo trẻ hứa hẹn sẽ cho ra những sản phẩm tốt cung cấp cho bóng đá Việt Nam trong tương lai.
10. Trợ lý Lê Sỹ Mạnh bị sa thải vì đuổi đánh học trò
Tiếp sau sự cố của Long An, vụ việc trợ lý HLV Lê Sỹ Mạnh của CLB Hải Phòng đuổi đánh thủ môn Đặng Văn Lâm phải chạy trốn đến mức bị chấn thương được xem là một trong những vết nhơ của V-League mùa giải 2017.
Tất nhiên Sỹ Mạnh đã bị sa thải sau hành động này nhưng hậu quả của nó để lại thì thật lớn, khi làm người hâm mộ thêm chán chường với bóng đá Việt Nam và bản thân ĐTQG thì phải chịu thiệt thòi do Văn Lâm phải nghỉ thi đấu đột ngột vì lý do trời ơi đất hỡi.
Việt Hà