Cựu tiền đạo Lê Công Vinh: 'Tôi đã từng rất cô đơn tại Nhật Bản'
(Thethaovanhoa.vn) - "Mọi thứ không hề dễ dàng, khi bạn phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi đã từng rất cô đơn, thậm chí là cô độc, không người thân, không ai giúp đỡ mình cả. Tôi phải tự bắt tàu điện đến sân tập, đói thì tự nấu ăn, dưới cái lạnh dưới không độ và bóng đêm, và sự cô đơn", cựu tiền đạo thủ quân đội tuyển Việt Nam nhớ lại những ngày ở Hokkaido Consadole Sapporo.
Lê Công Vinh là một trong không nhiều các cầu thủ Việt Nam từng thi đấu ở nước ngoài, với 2 CLB khác nhau và 2 môi trường sống, cũng như thi đấu khác nhau. Năm 2009, sau khi hoàn toàn bình phục chấn thương với ca phẫu thuật đầu gối, Công Vinh được cho CLB Leixoes của Bồ Đào Nha mượn, thi đấu ở giải cao nhất ở nửa bên kia bán đảo Iberia. Tại đội bóng này, Công Vinh đã vài lần được ra sân và đã ghi được 1 bàn thắng.
Công Phượng ra mắt Incheon United
Nửa sau mùa giải 2013, Công Vinh được CLB SLNA cho Consadole Sapporo mượn để thi đấu ở giải hạng 2 của Nhật Bản, tức J-League 2. Đây là một gói hợp tác giữa 2 đội bóng và Công Vinh chính là nhân tố quyết định. Ở lần thứ 2 xuất ngoại, "CV9" đã chơi tốt hơn rất nhiều.
"Nếu như ở Leixoes S.C, tôi còn có người bạn là con trai của HLV Henrique Calisto giúp đỡ, trong quá trình điều trị chấn thương và hòa nhập, thi đấu trở lại, thì ở Consadole Sapporo là một câu chuyện hoàn toàn khác. Môi trường cạnh tranh khốc liệt như nhau, nhưng môi trường sống thì ở Nhật Bản khắc nghiệt hơn nhiều. Họ chuyên nghiệp và không giống với bất cứ thứ gì mà bạn tưởng tượng trong đầu", vẫn lời Lê Công Vinh.
"Khi bạn ra nước ngoài thi đấu, bạn không là ai cả, bởi bạn đến từ một nền bóng đá nhỏ. Thế nên, việc đầu tiên là bạn phải nỗ lực gấp nhiều lần so với khi ở Việt Nam. Tôi đã chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, cố gắng và cố gắng để được tin tưởng. Nhưng ở môi trường bóng đá đẳng cấp cao hơn rất nhiều, mọi thứ không dễ dàng. Về cơ bản, tôi gần như phải làm lại từ đầu. Đó là những ngày tháng đáng nhớ và nó giúp tôi trưởng thành rất nhiều".
Không tiện nói ra và cũng không dám cho lời khuyên nào với các đàn em, Công Vinh chỉ khẳng định, nếu muốn hòa nhập, muốn tiến bộ - phát triển và tìm kiếm được cơ hội, thì bản thân mình phải nỗ lực không ngừng nghỉ, phải xác định ngay từ đầu "mình chẳng là ai ở cái môi trường - thế giới bóng đá chuyên nghiệp và đầy những cầu thủ đẳng cấp kia". Sự chủ quan hay chểnh mảng, hay thiếu bản lĩnh, sẽ đánh gục chúng ta.
Xuân Trường và Công Phượng từng có thời gian học việc và thi đấu ở Hàn Quốc, cũng như Nhật Bản, nên lần xuất ngoại này chẳng còn lạ lẫm với họ nữa. Cũng như Đặng Văn Lâm, vốn sinh ra và lớn lên, học bóng đá tại Nga, trước khi về Việt Nam, họ hiểu bóng đá chuyên nghiệp khốc liệt đến đâu. Và vì thế, để tìm được vị trí, để được HLV và đồng đội tin tưởng, họ biết phải làm gì và như thế nào. Tất nhiên nó không giống như tưởng tượng của bất cứ ai trong số chúng ta ngồi ở nhà và… chém gió.
Những kinh nghiệm của các cầu thủ mở lối, lãnh ấn tiên phong như Lê Công Vinh, Việt Thắng, Xuân Trường, Công Phượng hay Đặng Văn Lâm là rất bổ ích cho cả nền bóng đá đang có những cơ sở nhất định để xuất khẩu cầu thủ. Trước đó, Lương Trung Tuấn đã từng chơi rất thành công trong màu áo Cảng Thái ở Thai League, song đó là giai đoạn mà giải vô địch Thái Lan có chất lượng không cao hơn Việt Nam, còn Lê Huỳnh Đức sang Lifan Trùng Khánh nằm trong gói hợp tác khác.
Những cầu thủ giỏi nhất Việt Nam nhưng không là gì cả, ở môi trường bóng đá đẳng cấp cao hơn, đấy là chuyện rất đỗi bình thường. Phải chấp nhận xuất phát với tâm thế như vậy, thay vì nghĩ cầu thủ của chúng ta đã đủ hay rồi, đã là thánh tướng rồi. Tự họ không nghiễm nhiên tìm được suất chơi, thậm chí có áo mặc ngồi dự bị, mà phải phấn đấu rất, rất nhiều. Những chương sự nghiệp mà Công Vinh đã trải qua, quả thật là quý giá cho tất cả.
CCKM