Cuốn 'Nhật ký chiến trường' không phải để in
Cuốn sách vừa ra mắt tại trụ sở báo Nhân dân ở Hà Nội.
“Nhật ký không phải để in” - Nguyễn Tiến Bình từng nói để từ chối khi bạn bè thân thiết đề nghị ông xuất bản cuốn sách. Ông lý giải, nhật ký là “những cái mình dành dụm, chắt chiu để lại cho cuộc sống”. Sau khi Trung tướng qua đời vào năm 2013, gia đình ông đã đồng ý để NXB Chính trị Quốc gia in và phát hành cuốn sách.
Cuốn sách gần 400 trang được tập hợp từ 2 cuốn sổ tay tác giả viết từ đầu năm 1970 đến cuối năm 1975, từ khi tác giả lên đường lên đường ra trận cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là 6 năm khốc liệt hướng đến ngày chiến thắng.
Nhật ký của Nguyễn Tiến Bình khác với 2 cuốn nhật ký chiến tranh từng gây ảnh hưởng sâu rộng đến dư luận - Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Bởi Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm đều đã hy sinh trên chiến trường, còn Nguyễn Tiến Bình vẫn trở về sau ngày giải phóng và thực hiện ước mơ đi học.
“Tuy gần 30 năm trước đã đọc và nay đọc lại nhật ký của anh, tôi vẫn không hiểu tại sao trong những ngày gian lao, bom đạn đầy trời, nhiều khi sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc, anh Bình của tôi vẫn tranh thủ viết nhật ký? Nhưng nếu anh không viết, tôi sẽ không bao giờ cắt nghĩa được tại sao gần 40 năm trước, lớp lớp bộ đội Cụ Hồ có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - nhà phê bình Nguyễn Hòa nói về cuốn sách.
Nhà phê bình nhìn nhận: “Dù nhật ký là thế giới riêng của mỗi người và được viết ra không phải để được công bố thì vẫn cần đưa những dòng chữ thắm tình người, đỏ màu máu ấy đến với mọi người. Đó là những dòng chữ không chỉ dành cho chúng ta mà còn dành cho con cháu chúng ta”.
Chính nhà phê bình Nguyễn Hòa là người nhiều lần tỉ tê thuyết phục Trung tướng Nguyễn Tiến Bình trích đăng những đoạn ngắn của nhật ký lên báo. Lần nào tác giả cũng từ chối. Nhưng Nguyễn Hòa vẫn rất mặn mà với ý định này, nay đã được ông biến thành hiện thực. Trung tướng, PGS Nguyễn Tiến Bình sinh năm 1950, quê ở phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh. Gia nhập quân đội năm 16 tuổi (khai tăng tuổi để nhập ngũ), ông trở thành lính đặc công nước thuộc binh chung Đặc công của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Tiến Bình trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt tại Sài Gòn vào trưa ngày 30/4/1075 lịch sử. Ông qua đời năm 2013 tại Hà Nội do căn bệnh hiểm nghèo là di chứng của chất độc hóa học trong chiến tranh.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa