Cuộc sống sau ống kính: Nửa thế kỷ qua cầu Long Biên
Hà Nội đang trong những ngày mùa Thu tuyệt đẹp, cũng là dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Tôi chỉ xin kể lại những kỷ niệm nho nhỏ của mình gắn cây cầu biểu tượng của Thủ đô.
Tôi đi qua cầu Long Biên lần đầu tiên cách đây 49 năm, khi trường cấp 2 của tôi tổ chức đi thăm Hà Nội. Ngồi trên chiếc xe ca Ba Đình từ từ lăn bánh trên làn đường chỉ đủ cho chiều ngang ô tô, tôi tò mò nhìn những gióng thép của cầu Long Biên và không hiểu tại sao xe lại đi bên trái.
Hơn 10 năm sau, khi đã là sinh viên, tôi nhiều lần đạp xe qua cầu Long Biên đưa đón bạn bè ở ga Gia Lâm và có một kỷ niệm khó quên. Hôm ấy đến giữa cầu, để tránh đường đông, tôi cùng cô bạn người Hải Dương bê xe sang làn ngược chiều để đi cho vắng. Và rầm, chúng tôi va chạm với một xe thồ khiến tay tôi tóe máu.
Cô sinh viên ngày nào đã lên bà nội và trở thành một quan chức cấp bộ, còn tôi thì vẫn qua lại cầu Long Biên như một thói quen, với chiếc sẹo còn nguyên trên tay trái.
Giã từ đời sinh viên, tôi về quê và gặp một cô gái khác cũng gốc… Hải Dương. Trong bài thơ Áo vàng viết tặng cô này năm 1991, tôi kết thúc bằng hai câu: Theo em được đến nửa cầu/ Lời yêu ngại nói sợ nhàu áo em.
Bị "nữ chính" truy xét em nào, cầu nào, tôi phải thú thực cây cầu trong thơ chính là cầu Long Biên, dù thành phố quê tôi cũng có rất nhiều cầu. Sự thật bị phơi bày khiến cô cạch mặt tôi đến nửa tháng, dù bài thơ sau đó được nhiều báo chí đăng tải và vào một số tuyển tập, nay còn trên internet nếu khéo Google.
Trở lại Hà Nội 10 năm sau đó, tôi không chọn cầu Chương Dương mà chỉ đi cầu Long Biên dù có việc hay không. Tôi thích ngồi bên cầu ăn ngô nướng của bà Bích, uống nước chè của cô Liên và bái phục người Pháp đã luyện những dầm thép trăm năm không gỉ, đã thiết kế hai hàng lan can thanh tú và tinh tế tuyệt vời.
Hơn 20 năm qua, dù hầu hết chẳng công việc gì, tôi vẫn hàng trăm lần qua lại cầu Long Biên, dù nắng mưa, sáng tối. Đó cũng là cơ hội để tôi chụp hàng nghìn bức ảnh để kể về cây cầu lịch sử và đây là một vài câu chuyện như thế.