Cuộc sống sau ống kính: Người làng Vòng đi bán cốm Vòng
Trong đời chụp ảnh của mình, tôi đã chụp làng cốm vài lần. Đầu tiên là ở làng Vòng vào khoảng năm 1998. Làng cốm nổi tiếng cả nước bấy giờ còn chưa đô thị hóa, trong làng có nhiều hộ làm cốm thủ công, phương tiện "cơ giới" của họ có lẽ chỉ là chiếc cối đạp bằng chân.
Mười năm sau, tôi lại đi chụp cốm. Lúc này thì làng Vòng đã đô thị hóa và thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Người làng nói đùa "Cốm Vòng nay đã vòng sang Mễ Trì" và chỉ tôi sang phường Mễ Trì, trước cũng là đất huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Nam Từ Liêm.
Mễ Trì 16 năm trước còn khá dân dã, nhưng đã có không khí của một đại công trường làm cốm. Người dân ở đây trả lời, cốm Vòng giờ chẳng còn bao nhiêu, Mễ Trì mới là số một.
Đầu tuần qua, tôi dậy sớm phóng xe máy lên phố cổ. Trời đã lạnh, các cửa hiệu còn kín cửa, nhưng đã thấy vài bà, vài chị đi bán cốm rong. Tôi chọn một người trong số họ để "bắt nét". Đó là một phụ nữ phúc hậu, nách phải kẹp thúng cốm vào hông, tay trái xách chiếc làn nhựa, chứ không gánh như nhiều người khác. Thật bất ngờ, bà bảo ông thợ ảnh sướng nhé, chụp ngay gái làng Vòng đi bán cốm Vòng.
Một cân cốm mùa này có giá 250.000 đồng, tôi hỏi mua 5 lạng. Bà có vẻ vui và xởi lởi kể: tôi tên Minh, con gái làng Vòng, 65 tuổi và đã bán cốm hơn 40 năm trên phố cổ này.
"Chúng tôi gặt lúa khi trời chưa sáng, cốm có hơi sương nên mới dẻo và thơm ngon. Có bí quyết làm lúa non thì cốm mới dẻo. Cơ mà người làng chỉ truyền nghề cho con dâu, tôi con gái cũng chỉ biết đại khái thế thôi".
Nói rồi bà nhón một nhúm cốm bỏ vào tay tôi: "Đấy ông ăn đi xem có thơm ngon đặc biệt hay không. Cốm Vòng ngon vì chọn lúa ruộng bùn Bắc Ninh, gặt về lúc sáng sớm, tuốt xong cho vào làm luôn nên mới tươi ngon. Ai ăn cốm tôi cũng phải khen, không như cốm người ta rang máy, giã máy, hạt cốm cứ khô không khốc".
Ngạc nhiên nữa là ở làng Vòng giờ vẫn còn vài hộ làm cốm, đó là nhà Sáng, nhà Xuân và nhà Thu - Giang. Mỗi nhà có một người đi bán. Bà Minh bán cốm của em trai là ông Sáng và "cát cứ" khu chợ Hàng Bè. Hai nhà còn lại thì cho người bán ở Hàng Bông, Hàng Đường.
"Ngày xưa làng Vòng mười nhà thì chín nhà làm cốm. Năm 2001, nhà nước lấy đất, đền bù thì nhiều nhà có tiền xây nhà cho thuê, rồi không cần làm cốm nữa vẫn có nhiều tiền. Bảo sao giữ làng nghề hay văn hóa văn vật gì đó nó khó thế", bà Minh nói và chào lại tôi khi tạm biệt: "Ông cứ chụp ảnh cho chán đi. Tôi xấu thì đằng nào cũng xấu rồi. Chụp nữa cũng chẳng xấu hơn, cứ quảng cáo cho cốm Vòng ngon là được".