Cuộc 'hôn phối' của điêu khắc và kiến trúc đương đại Việt Nam
Điêu khắc và kiến trúc trong quá khứ đã gắn liền, hoặc có khi hòa thành một trong đời sống văn hóa - mỹ thuật Việt Nam. Còn điêu khắc đương đại trong hơn 20 năm qua vẫn luôn phải loay hoay tìm chỗ đứng trong không gian kiến trúc. Buổi tọa đàm Kết nối điêu khắc và kiến trúc đương đại do The Muse Art Space tổ chức tại Hà Nội vừa qua cũng nhằm tìm giải phải cho sự loay hoay này.
Đến dự buổi tọa đàm, một số nhà điêu khắc thế hệ 7X cho rằng đây là lần gặp gỡ trực tiếp, đầu tiên của họ và các kiến trúc sư trong khoảng hơn 20 năm làm nghề. Dù điêu khắc đã từng gắn liền với kiến trúc truyền thống của người Việt, ví dụ điêu khắc Tây Nguyên, điêu khắc thời phong kiến, hiện đại và cả đương đại.
Các hình thái và tạo hình của điêu khắc gắn với kiến trúc mang đậm chất văn hóa, nghệ thuật của từng thời kỳ. Điêu khắc đã từng là thành phần không thể thiếu trong kiến trúc, cùng góp phần tạo nên không gian sống cho cộng đồng.
Từ những mô hình và nỗ lực kết nối
Nền điêu khắc hiện đại được tính từ thời điểm thành lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1924, khi các nghệ sĩ điêu khắc hiện đại đầu tiên đề tên mình cùng tác phẩm. Và đó cũng là thời điểm kiến trúc thuộc địa đã trộn lẫn trong không gian sống của người Việt, cùng sự hình thành đô thị hiện đại theo kiểu phương Tây. Rồi các cuộc chiến tranh kéo dài, sau đó là sự phát triển của điêu khắc tượng đài trong suốt thế kỷ 20. Bởi vậy, điêu khắc thế kỷ 21 mới thực sự cá nhân hóa, lấy cảm hứng từ xã hội đương thời, với vật liệu của đời sống công nghiệp. Đồng thời, điêu khắc cũng phải đối diện với việc không có chỗ trong kiến trúc mới, hoặc nghệ sĩ phải tự xoay sở để tồn tại cùng tác phẩm.
Buổi tọa đàm nhắc lại những mô hình tiêu biểu cho những nỗ lực kết nối điêu khắc và kiến trúc trước đó. Với tư cách diễn giả, nhà điêu khắc Trần Trọng Tri nói về mô hình cá nhân tự tổ chức không gian sống như của nghệ sĩ Phan Phương Đông. Nghệ sĩ tìm đến không gian trưng bày như dự án Newform năm 2014. Tự tổ chức dự án như Art in the forest năm 2015 tại Flamingo Đại Lải. Hoặc mô hình trung tâm nghệ thuật - bên thứ 3, giữ vai trò kết nối - như The Muse Art Space.
Dự án Newform hướng đến việc đưa tác phẩm điêu khắc vào những không gian kiến trúc sinh hoạt thực tế. Các sáng tác được trưng bày tại hai không gian Manzi - cafe nghệ thuật và Module7 - không gian nội thất thiết kế. Sự kết nối giữa điêu khắc và kiến trúc sẽ dựa trên khả năng đối thoại của 2 loại hình. Trong đó, điêu khắc sẽ phải đối thoại với ngôn ngữ kiến trúc, không gian nội thất và công năng của nó qua hình dáng, công năng của không gian kiến trúc, môi trường ở ánh sáng và không khí, thời gian, thời tiết, ngữ cảnh, người xem…
Bên cạnh đó, Flamingo Đại Lải được nhắc lại như một dự án thành công trong việc tổ chức trại sáng tác cho nghệ sĩ và đặt tác phẩm thành một quần thể điêu khắc ngoài trời, hoành tráng, có tổ chức quy hoạch không gian. Mô hình của Flamingo Đại Lải cho đến nay vẫn là mô hình thành công hiếm hoi đối với các nghệ sĩ.
Nhưng cũng là điều đáng buồn khi gần 10 năm nay điêu khắc đương đại không có thêm không gian như thế, mà chỉ có các triển lãm được mở ra và kết thúc, với trưng bày ngắn hạn.
Song hành cùng tọa đàm, The Muse Art Space đem đến triển lãm Âm và dương trong điêu khắc đương đại của 6 nghệ sĩ điêu khắc. Các tác phẩm được sắp đặt trong các không gian sống thực tế, ghi hình và trình chiếu tại triển lãm, để khán giả cảm nhận sự khác biệt của điêu khắc trong không gian kiến trúc và trong phòng trưng bày nghệ thuật.
Gần như lần đầu tiên các nhà điêu khắc và kiến trúc sư cùng ngồi trong một buổi nói chuyện thẳng thắn về tính khả thi trong việc kết nối điêu khắc và kiến trúc đương đại tại Việt Nam.
Đến thực tế kiến trúc ngày nay tại Việt Nam
Xuất phát từ thực tế nhà ở đương thời tại Việt Nam được thiết kế với rất nhiều phong cách, khá pha tạp, buổi tọa đàm đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành kiến trúc. Trong đó có vấn đề nghệ thuật Việt Nam nói chung và điêu khắc nói riêng đã được quan tâm ra sao từ công đoạn lên ý tưởng thiết kế.
Tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Phước Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu ra những khó khăn trong sự kết hợp giữa điêu khắc và kiến trúc đương đại tại Việt Nam. Theo ông, trên thực tế, rất ít công trình kiến trúc đưa điêu khắc vào không gian từ trong khâu thiết kế, bởi các vấn đề như chi phí, quan điểm về công năng, sự tối giản… Khác với hội họa, điêu khắc chiếm nhiều không gian và cần một phông nền để bày biện. Bên cạnh đó, có quá nhiều những vật dụng trong gia đình làm nhiễu không gian của tác phẩm điêu khắc, sẽ dẫn tới việc không thể đạt được hiệu quả thẩm mỹ mong muốn.
Hơn nữa, đối với các thiết kế kiến trúc hiện đại, khi kiến trúc sư luôn cố gắng để lại dấu ấn riêng, sự hoàn thiện, thì điêu khắc càng khó có phần thêm vào. Tuy nhiên, những kiến trúc sư thực sự giỏi, đủ để tạo ra được các tác phẩm kiến trúc hoàn hảo, thường chỉ khoảng 5%, vậy đa phần còn lại kiến trúc Việt Nam sẽ ra sao?
Một khán giả của tọa đàm nói rằng anh rất mong muốn sưu tập tranh và điêu khắc, nhưng không biết xử lý sao với không gian kiến trúc đã thành hình của ngôi nhà.
Như vậy, đưa điêu khắc vào không gian sống là nhu cầu thực tế, nhưng ngay từ đầu, việc thiết kế kiến trúc có ý "loại trừ" điêu khắc cho đỡ mệt, cũng là một thực tế phổ biến. Nhiều chủ đầu tư xây dựng cũng nghĩ không gian cho điêu khắc là chuyện rất tốn kém, nên cắt bỏ được thì khỏe.
Công cuộc kết nối, "hôn phối" giữa điêu khắc và kiến trúc đương đại dù là nhu cầu có thật, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, những tọa đàm như thế này là một nỗ lực để lan tỏa sự kết nối, sự đối thoại giữa kiến trúc và điêu khắc trong các công trình xây dựng, các không gian sống ngày nay.