Cuộc đời sau ống kính: 20 năm vẫn tận diệt chim trời
Đây là những bức ảnh được chụp cách nhau hơn 20 năm, ở TP Hải Phòng. Trong bức ảnh đầu tiên, được chụp năm 1999, 3 phụ nữ đang ngồi vặt lông chim bên cầu Lạc Long (quận Hồng Bàng), khi chim đang sống… để bán cho người thành phố làm mồi nhậu.
Xem chuyên đề "Chuyện đời sau ống kính" TẠI ĐÂY
Họ là người ngoại thành, hành nghề hàng rong. Vào mùa Thu, họ mua gom chim trời các loại ở ngoại thành và bán lẻ cho người mua về làm mồi nhậu.
Vào mùa Thu, các đường phố Hải Phòng có nhiều người quẩy chim trời đi bán rong. Các loại chim gồm cuốc, cò, vạc, le le… Chúng được bắt ở các vùng ngoại thành thuộc các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy… bằng cách chăng lưới, bật loa để chim bay về và mắc bẫy.
Bẵng đi 20 năm mới trở lại Hải Phòng, thật bất ngờ khi vẫn thấy cảnh người ta mang chim đi bán rong. Chỉ khác là bằng xe đạp, xe máy chứ không gồng gánh như trước.
Đây là những chú vạc nâu được bán ở đầu cầu Tam Bạc, phía bên kia chợ Sắt một ngày cuối năm 2021. Giá mỗi con vạc là 130 nghìn đồng, và 150 nghìn nếu đã sơ chế để “chỉ việc luộc, nhúng lẩu ngon hơn thịt gà”, như lời người bán quảng cáo.
Những chú vạc này sống đâu đó ở các vườn chim trên núi Kiến An (Hải Phòng) hay đảo làng cò Chi Lăng Nam ở huyện Thanh Miện ở Hải Dương, nơi từng là bối cảnh để quay bộ phim Bến cò sông vạc nổi tiếng.
- Cuộc đời sau ống kính: Hạ Long, ngày chưa đông đúc
- Cuộc đời sau ống kính: Nhớ vạn đò Huế…
- Cuộc đời sau ống kính: Cưới theo nếp sống mới
Những chú vạc có đôi cánh đã đi vào tiểu thuyết của Thu Bồn hay nhạc Trịnh Công Sơn giờ bị buộc chân thành từng bó, và lại xoáy lên những ánh mắt khắc khoải, căm hờn trước ống kính của tôi.
Chúng ta còn đói khát, thèm thuồng gì nữa đâu mà phải ăn thịt những loài chim hoang dã? Hãy để cho chim trời được sống, đó có thể cũng là lời van xin trong ánh mắt của những cò, vạc trong các bức ảnh này…
Lưu Quang Phổ