Cuộc đời bất hạnh của 'hoàng tử nhạc soul'
Đám đông người hâm mộ đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm Gaye tại trung tâm nghệ thuật đương đại Blind Whino, gần ngôi trường trung học mà ông đã theo học và tham gia một câu lạc bộ hát bè.
“Gaye có cách thể hiện các nhạc phẩm không giống bất cứ ai và có lẽ sẽ chẳng ai có thể trình diễn được như ông. Gaye sáng tác nhạc một cách chân thực và ông là người cực kỳ sáng tạo. Đó là di sản của ông” - April Watts, người tổ chức buổi lễ tưởng niệm, nói.
Thành danh từ Motown Records
Gaye qua đời một ngày trước khi ông tròn 45 tuổi, lúc đã được tôn vinh là "Hoàng tử nhạc soul", để lại một chuỗi các ca khúc ăn khách như Let's Get It On, I Heard It Through the Grapevine và Sexual Healing. Hiện các ca khúc này vẫn là những nhạc phẩm kinh điển của dòng pop, funk và soul.
Trong số khoảng 200 người có mặt tại buổi lễ tưởng niệm Gaye, có cô em út Zeola, từng hát đệm trong ca khúc nhạc dance ăn khách Got to Give it Up (1977) của ông, và người bạn lâu năm kiêm nhạc sĩ phối khí Gordon Banks. Các thành viên trong ban nhạc đầu tiên của Gaye là The Marquees cũng tới. Ban nhạc được sáng lập từ năm 1959, trong tầng hầm studio của nghệ sĩ guitar dòng R&B Bo Diddley tại Washington.
“Gaye thường trình diễn cùng chúng tôi. Chúng tôi hay tham gia các chương trình tài năng trong trường Trung học Dunbar và Gaye chơi trống. Tuy nhiên, thời điểm đó Washington không phải là nơi nuôi dưỡng cho những người chơi nhạc như chúng tôi. Do vậy, hầu hết các nghệ sĩ phải rời Washington để tạo dựng sự nghiệp và tìm kiếm thành công” – Jimmy Falwell, thành viên trụ cột của The Velons, nhóm nhạc vẫn liên tục hoạt động trong suốt 56 năm qua, cho biết.
Rời Washington, Gaye đã tìm được thành công ở Motown Records, hãng thu âm được Berry Gordy sáng lập ở Detroit vào năm 1959. Trong những năm 1960, hãng thu âm này đã cách mạng hóa bức tranh âm nhạc đại chúng.
Ca khúc solo ăn khách đầu tiên của Gaye là Stubborn Kind of Fellow (1962), tiếp đó là Can I Get a Witness, How Sweet It Is (To Be Loved By You) và Ain't That Peculiar.
Với giọng ca êm dịu, ngọt ngào, Gaye được xem là “một nửa hoàn hảo" khi song ca cùng Mary Wells, Kim Weston và Tammi Terrell, người ông đã thu âm cùng nhạc phẩm Ain't No Mountain High Enough và Ain't Nothing Like the Real Thing.
Không đóng thuế để phản đối chiến tranh Việt Nam
Trong những năm 1970, tên tuổi Gaye nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng với những nhạc phẩm phản ánh trào lưu nhân quyền và cuộc chiến tranh Việt Nam, như What's Going On và Inner City Blues (Make Me Wanna Holler). Ông còn từ chối đóng thuế ở Mỹ nhằm phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Thành công trong sự nghiệp, tuy nhiên trong cuộc sống riêng, Gaye lại có nhiều vấn đề. Ông và cha mình không ưa nhau. Cha ông là một mục sư ở Washington, thường đánh đập con cái rất tàn nhẫn. “Tôi ghét Washington” – Gaye từng thổ lộ với nhà viết tiểu sử David Ritz - “Nơi này chỉ khiến tôi thấy tuyệt vọng. Chẳng có gì tốt đẹp ở đây”.
Gaye từng phải vật lộn với chứng nghiện ma túy, rượu và đã có lúc rơi vào trầm cảm. Đầu những năm 1980, Gaye cảm thấy thanh bình, thư thái hơn khi ông tới sống bên bờ biển Ostend ở Bỉ. Ở nơi đây ông đã sáng tác ca khúc ăn khách cuối cùng của mình, Sexual Healing, nhạc phẩm đoạt giải Grammy năm 1982.
Trưa ngày 1/4/1984 ở Los Angeles, khi đang ngồi trên giường nói chuyện với mẹ mình, Gaye bị chính cha đẻ bắn chết bằng khẩu súng lục mà ông đã tặng cha nhân dịp Giáng sinh. “Tôi thực sự rất lấy làm tiếc với những gì đã xảy ra... Giờ tôi đang phải trả giá” – ông Marvin Gay nói tại phiên tòa xét xử mình.
Sau khi qua đời, Gaye được nhiều nơi tôn vinh. Năm 1987, Sảnh Danh vọng Rock & Roll đã ghi tên Gaye, cũng nhận xét ông đã “có đóng góp lớn cho dòng nhạc soul nói chung và đặc biệt là cho âm thanh Motown”. Năm 1990, Gaye được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Năm 1996, ông được trao giải Grammy Thành tựu trọn đời.
Năm 2008, di sản của Gaye vẫn kiếm được 3,5 triệu USD và đứng thứ 13 trong danh sách “Những nhân vật danh tiếng đã khuất kiếm được nhiều tiền nhất” của tạp chí Forbes. |
Thể thao & Văn hóa