Cúng cô hồn lang thang chỉ cần cháo trắng bỏ vào lá đa là đủ
(Thethaovanhoa.vn) - Theo quan niệm của người phương Đông, rằm tháng bảy là thời điểm rất quan trọng để người dân và phật tử thể hiện lòng tri ân báo hiếu với cha mẹ (Vu Lan báo hiếu) và cũng là dịp để họ thắp nén hương cúng các vong hồn lang thang trong cõi nhân gian được siêu thoát (Xá tội vong nhân).
- VIDEO: Kiêng kỵ trong 'tháng cô hồn' là thiếu cơ sở khoa học?
- 'Tháng cô hồn’ có xấu xí, đen đủi như mọi người vẫn nghĩ?
- Tháng Bảy âm lịch hoàn toàn không phải là 'tháng cô hồn'?
Phong tục truyền thống kết hợp với tín ngưỡng lưu truyền lâu đời này thể hiện tấm lòng nhân ái từ bi của đạo Phật. Tuy nhiên, phong tục này ngày càng xuất hiện những lễ nghi rườm rà, gây tốn kém lãng phí mà trong đó phải nhắc đến việc đốt vàng mã với hàng chục ngàn tấn mỗi năm.
Đại đức Thích Đức Thiện, việc đốt vàng mã, đặc biệt là đốt vàng mã trong Lễ Vu Lan xuất phát bởi sự kết hợp tín ngưỡng, niềm tin của người Việt cổ với quan niệm về âm dương và tín ngưỡng truyền thống thờ cúng tổ tiên; thể hiện lòng báo hiếu, tình thương với người đã mất.
Mọi người cũng nghĩ trên trần thế, cõi dương này thế nào thì cũng mong muốn người thân của mình ở cõi âm cũng có được cuộc sống như vậy. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã không đúng với tinh thần của Phật giáo. Phật giáo là tôn giáo nhấn mạnh đến việc tu tập của chính bản thân mình, tu tập thân khẩu ý làm sao đạt đến lòng từ bi và trí tuệ chứ không chú trọng về mặt lễ nghi rườm rà.
Cũng theo Đại đức Thích Đức Thiện, trong quan niệm của đạo Phật, cha mẹ sinh ra ta cũng là một vị Phật. Rằm tháng bảy là Tết Trung nguyên, một ngày lễ hội lớn trong năm của người Việt và Vu Lan báo hiếu rằm tháng bảy là truyền thống của Phật giáo kết hợp với tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên của người Việt mà nội dung chính là tri ân báo hiếu người thân trong gia đình, báo hiếu ông bà tổ tiên; tri ân những người có công với đất nước; tri ân với những người đã hy sinh để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay.
Để thể hiện tri ân tốt đối với những người đã mất thì chúng ta có thắp nén hương thành kính, dâng hoa tưởng niệm ở nhà thờ tổ tiên, thắp nén hương ở đài liệt sĩ. Trong Phật giáo, ngày Vu Lan chỉ có tụng kinh Vu Lan và thực hiện nghi lễ bông hồng cài áo. Tại gia đình thì có thể làm mâm cơm, anh em sum họp nhớ tới công đức đối với cha mẹ.
Dù đi đâu, làm việc ở đâu, những ngày này cũng nên sắp xếp thời gian về thăm cha mẹ. Nhưng điều quan trọng của Vu Lan báo hiếu không chỉ có ý nghĩa với người đã mất mà thể hiện bằng những việc cụ thể như chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống. Thời gian báo hiếu cũng không chỉ trong dịp rằm tháng bảy mà cần làm trong suốt cuộc đời mình, từ việc giữ gìn gia phong, noi theo đời sống thanh cao của dòng họ, giáo dục tinh thần hiếu hạnh, từ bi hỉ xả, biết sống vì nhau cho con cháu…
Còn Xá tội vong nhân (quan niệm là cúng cô hồn lang thang) thì nên làm việc gì đó thiết thực và có ý nghĩa. Nhưng tốt nhất là giáo dục cho con cháu làm những điều thiện như thăm một cơ sở từ thiện hoặc trại trẻ mồ côi, quyên góp sách vở quần áo cho trẻ nghèo. Hiện nay, trong dân vẫn hay nấu cháo trắng bỏ vào lá đa, bỏng ngô,… cúng các cô hồn để những vong hồn lang thang “hưởng”.
Theo Đại đức Thích Đức Thiện, lễ nghi này “trong Phật giáo gọi là “thức thực” - nhưng cái “hưởng” đó là cái “thức” thôi, tưởng người ta đến thôi chứ không có chuyện trao nhận thực sự hay người ta đến ăn bát cháo đó. Vì thế hãy làm sao để không quá lãng phí”.
TTXVN