A+ A A- Kiểu đọc sách

'Tháng cô hồn’ có xấu xí, đen đủi như mọi người vẫn nghĩ?

15:02 12/08/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo quan niệm dân gian của người châu Á, tháng 7 là "tháng cô hồn", không may mắn, nên tránh các công việc trọng đại, đi xa... Tuy nhiên, sự thực tháng 7 có ý nghĩa thế nào?

Đối với người Việt, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống có từ lâu đời. Người Việt từ xa xưa đã quan niệm, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai khiếp khác hay có người thì bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.

Từ đó cũng xuất hiện quan niệm rằng, “tháng cô hồn” là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đều tránh tháng 7.

Việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…

Chú thích ảnh
Hình ảnh con quỷ đói trong tín ngưỡng dân gian (Ảnh: Internet)

Tuy vậy, theo tổ tư vấn báo Giác Ngộ, Phật giáo Bắc tông gọi tháng Bảy là mùa lễ hội Vu lan - Báo hiếu. Trọng tâm của lễ hội Vu lan - Báo hiếu nhằm giáo dục người Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và lo đền ơn các đấng sanh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời đẹp đạo.

Dựa theo kinh Vu lan với sự tích Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ, nhân ngày chúng Tăng mãn hạ Tự tứ, các Phật tử phát tâm cúng dường mười phương Tăng, hồi hướng công đức phước báo nguyện cầu âm siêu dương thái.

Nhân dịp này, các Phật tử còn thiết lễ cúng kiếng ông bà cha mẹ quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn.

Rằm tháng Bảy, làm mâm cúng chuẩn cho lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân

Rằm tháng Bảy, làm mâm cúng chuẩn cho lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân

Hàng năm, cứ đến Rằm tháng Bảy âm lịch, người dân cả nước lại sắm sửa những mâm đồ lễ cho ngày lễ Vu Lan (lễ báo hiếu) và lễ Xá tội vong nhân (hay còn gọi là cúng cô hồn, 'mở cửa địa ngục').

Như vậy, theo quan điểm của đạo Phật, lễ hội Vu lan-Báo hiếu vào tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”, hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn”.

Tuy nhiên hiện nay, tháng Bảy mùa hội Vu lan-Báo hiếu có ý nghĩa trọng tâm là giáo dục lòng hiếu thảo cho con người rất nhân văn và cao cả của đạo Phật đang có nguy cơ bị không ít người hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng cầu cúng ma quỷ, nhuốm màu tà kiến, mê tín.

Chúng ta đều biết, kinh Vu lan có mặt rất sớm ở Trung Quốc và có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội thời bấy giờ. Người Trung Quốc xưa tiếp thu tinh hoa hiếu đạo của kinh Vu lan nhưng đồng thời có sự tiếp biến với văn hóa bản địa thành tín ngưỡng dân gian: “Tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do về dương thế. Từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan và cao điểm là ngày rằm tháng Bảy thì xả cửa để cho ma quỷ tự do đến sau 12 giờ đêm thì kết thúc”.

Phật giáo Bắc tông Việt Nam chịu khá nhiều ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, nên ngoài việc đọc tụng và thực hành hiếu đạo theo kinh Vu lan, một bộ phận quần chúng Phật tử và trong dân gian còn ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, tin vào “tháng cô hồn”.

'Cướp cô hồn' - vì lòng tham hay sự mù quáng

'Cướp cô hồn' - vì lòng tham hay sự mù quáng

Cướp thật sự, theo đúng nghĩa, trong đoạn video đang lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt.

Vấn đề là người Phật tử Việt Nam hiện nay cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh Phật không hề nói đến việc Diêm Vương mở cửa địa ngục vào tháng Bảy. Nên không có ngày “âm khí xung thiên”, ma quỷ đồng loạt tràn lên dương thế phá phách, xin ăn mặc vào ngày rằm tháng Bảy.

Nếu tin vào việc Diêm Vương mở địa ngục vào tháng Bảy, rồi thành lệ: “Tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát, thiếu thốn là sẽ bị quấy phá” là không phù hợp với Chánh pháp.

Phật tử chân chính cần xác định rằng: Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tăng tự tứ, ngày Tăng thêm tuổi hạ, ngày Phật hoan hỷ. Đối với Phật tử thì tháng Bảy là thời điểm để mỗi người trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và hạnh hiếu.

Còn việc “thí thực cô hồn” trong dịp này cũng rất tốt, là hạnh bố thí cho quỷ thần được no đủ nhưng chỉ là một lễ tiết có tính thứ yếu trong mùa lễ hội Vu lan mà thôi. Cần lưu ý là, thực hành bố thí - ở đây là “thí thực” - nên lễ phẩm chủ yếu là thực phẩm, không nên quá lãng phí cho việc mua sắm vàng mã, rải tiền lẻ... Đặc biệt là không nên kiêng kỵ và sợ hãi ma quỷ theo kiểu mê tín dị đoan.

Theo lời khuyên của tổ tư vấn báo Giác Ngộ thì nên tránh gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn” rồi quá chú trọng đến cầu cúng ma quỷ theo dân gian.

Anh Tuấn

Tổng hợp

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...