'Cử tạ Việt Nam sẽ gặp khó khăn ở SEA Games 31'
(Thethaovanhoa.vn) - Trước mỗi giải đấu (Olympic, ASIAD hay SEA Games) người xem luôn dành những quan tâm đặc biệt đến bộ môn cử tạ.Tháng 5 này với kỳ SEA Games trên sân nhà cũng không ngoại lệ.
Trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa trước thềm SEA Games 31, ông Nguyễn Huy Hùng- Phụ trách bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) thừa nhận rằng, kể cả khi đã đặt chỉ tiêu 2 -3 HCV thì các đô cử Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chinh phục, hoàn thành mục tiêu trước sự cạnh tranh của các VĐV của Thái Lan, Indonesia, Philippines: “SEA Games 30 trên đất Philippines, cử tạ Việt Nam đã xuất sắc giành 4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ ở vị trí nhất toàn đoàn.
Đó là kỳ SEA Games khó quên, xuất sắc của cử tạ Việt Nam.Tuy nhiên, để tái hiện điều đó trên sân nhà sẽ là nhiệm vụ khá khó khăn với những đô cử Việt Nam, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại. Bối cảnh lúc này đã khác từ lực lượng tham dự cũng như mặt bằng của cử tạ Đông Nam Á. Từ đó, cử tạ Việt Nam chỉ đề ra chỉ tiêu giành từ 2 -3 HCV. Tôi cho rằng chỉ tiêu này phản ánh đúng tương quan lực lượng trong làng cử tạ Đông Nam Á ở SEA Games 31.
* Thể thao & Văn hóa: Vậy theo ông, quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 của cử tạ Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn như thế nào?
- Phụ trách bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) Nguyễn Huy Hùng: Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 của cử tạ Việt Nam gặp không ít khó khăn. Trở ngại lớn nhất ở chỗ cả đội cử tạ không thể đi tập huấn nước ngoài dài hạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù, trước đó các kế hoạch tập huấn nước ngoài đã được xây dựng.
Những chuyến tập huấn nước ngoài như vậy rất quan trọng.Các VĐV sẽ có được môi trường tập luyện, chế độ dinh dưỡng tốt hơn so với khi tập luyện trong nước.Cũng từ những chuyến tập huấn nước ngoài như vậy, các HLV, lãnh đạo bộ môn sẽ có được cái nhìn xác thực hơn cho việc đặt ra mục tiêu cho học trò.Tuy nhiên, trước SEA Games 31, đội chỉ tập trung tập luyện trong nước nên khó có thể đòi hỏi quá cao ở các VĐV.
Cho dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến lúc này các VĐV, HLV của đội tuyển vẫn đang nỗ lực khắc phục khó khăn.Nguồn lực của bộ môn được dồn đáng kể cho các vận động viên.Rất vui khi tinh thần tập luyện của các thầy trò luôn rất nỗ lực.Hy vọng rằng đội tuyển cử tạ vượt khó thành công để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Cử tạ Thái Lan trở lại cùng thách thức từ Philippines
* Thái Lan, Malaysia trở lại sau án phạt trong khi Indonesia, Philippines có nhiều tiến bộ. Vậy ông đánh giá thế nào về tương quan lực lượng của cử tạ các quốc gia trong khu vực tại SEA Games 31?
- Khi Thái Lan và Malaysia trở lại sẽ khiến cuộc thi có sự cạnh tranh căng thẳng hơn ở SEA Games 30. Với sự phát triển của Philippines, Indonesia cũng rất đáng chú ý. Cử tạ của Philippines, Indonesia có những VĐV đẳng cấp, đã có huy chương ở đấu trường Olympic. Vì vậy SEA Games 31 lần này sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt, sòng phẳng giữa các đô cử của các quốc gia trong khu vực.
Nhớ lại ở SEA Games 30 -2019, cả 10 VĐV cử tạ Việt Nam tham gia thi đấu đều có huy chương (4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ). Thành tích đó giúp cử tạ Việt Nam có được vị trí nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, năm đó vắng mặt Thái Lan. Năm nay Thái Lan trở lại trong khi Indonesia vẫn luôn giữ được vị thế trong bộ môn cử tạ khu vực Đông Nam Á. Thái Lan vẫn vượt trội ở các nội dung nữ trong lúc Indonesia lại có ưu thế với các hạng cân của nam.
Philippines có VĐV Hidilyn Diaz, một đô cử xuất sắc. VĐV này giành HCV SEA Games 30 nội dung 59kg. Olympic Tokyo vừa qua, Diaz giành HCV với tổng cử 224kg, phá kỷ lục giải đấu. Ngoài ra, cử tạ Philippines đã có được những VĐV rất đáng chú ý, từng thi đấu tại SEA Games 30 như Kristel Macrohon, Elreen Ando hay Margaret Colonia.
Từ đó, sẽ thấy 14 nội dung tranh tài của bộ môn cử tạ tại SEA Games 31 sẽ vô cùng hấp dẫn, quyết liệt. Sự tiến bộ vượt bậc của cử tạ Philippines cùng với tương quan lực lượng của Việt Nam, Thái Lan và Indonesia sẽ tạo ra những đối trọng để so kè đầy thú vị.
Ai sẽ lấy Vàng cho cử tạ Việt Nam?
* Vậy khi không có Thạch Kim Tuấn cùng Vương Thị Huyền, cử tạ Việt Nam sẽ đặt ra mục tiêu cụ thể thế nào tại SEA Games lần này, thưa ông?
- Chỉ tiêu của cử tạ Việt Nam đặt ra là phấn đấu giành từ 2-3 HCV. Chỉ tiêu đó dồn cho các VĐV nằm ở những hạng trọng điểm, đồng thời cũng là những VĐV đã từng giành HCV ở SEA Games 30. Tại SEA Games 30, các đô cử Lại Gia Thành (hạng 55kg nam), Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ), Phạm Hồng Thành (hạng 64kg nữ) là những người đã giành HCV.
Ngoài ra hy vọng lợi thế sân nhà, một số hạng cân khác sẽ phát huy được hết khả năng để có thể giành thành tích cao. Nguyễn Thị Vân, Đinh Xuân Hoàng, Phạm Tuấn Anh (HCB SEA Games 30) đều có cơ hội cạnh tranh cho tấm HCV. Tuy nhiên, xác suất để họ giành chiến thắng trước đô cử đến từ những quốc gia khác không thực sự cao.
Tôi rất mong, các VĐV cử tạ Việt Nam sẽ vượt khó để hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra cho SEA Games lần này.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đừng bao giờ chủ quan ở SEA Games Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn - HCB Olympic Bắc Kinh 2008 chia sẻ: Đúng là thực tế đã có không ít VĐV Việt Nam có được thành tích xuất sắc ở đấu trường Olympic, ASIAD nhưng không đạt phong độ tốt nhất tại SEA Games, thậm chí để vuột mất HCV. Câu chuyện của cá nhân tôi hay đô cử Thạch Kim Tuấn là những ví dụ. Có thể nói ngắn gọn ở mỗi thời điểm khác nhau, mục tiêu khác nhau, dẫn đến HLV và VĐV nhiều khi có chủ quan. Nhất là VĐV đã đạt đến đẳng cấp thế giới hoặc Olympic thì thường hay chủ quan. Chủ quan vì nghĩ rằng SEA Games có ít đối thủ và cũng kém mình rất nhiều. Từ đó, đưa ra những chọn lựa không phù hợp, khi gặp bất ngờ và sự xuất sắc của đối thủ trên sàn đấu sẽ có tác dụng ngược, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý.Vậy nên những chủ quan từ bản thân tôi chẳng hạn đã để lại nỗi buồn, thất vọng trong quá khứ.Tôi đã từng 4 lần tham dự SEA Games nhưng cả 4 lần đó đều thất bại, không có được HCV. Từ SEA Games 22 tại Việt Nam năm 2003 tôi chỉ giành HCB. Rồi năm 2005 thì lại không có hạng cân 56kg chỉ có hạng 62kg thật là buồn. Đến năm 2007 có hạng cân thì lại bị ép cân thừa, thi đấu không đạt kết quả tốt, giành HCB. Sau đó 2009 thì bị đau bụng không có thành tích, không huy chương.Quá nhiều thất bại tại SEA Games, nhiều khi không hiểu tại sao lại như vậy!? Nhiều câu hỏi đã được bản thân đặt ra và dằn vặt lắm.Tham gia các giải châu Á, VĐTG thì lại thắng đối thủ, cách xa họ, ngay cả Olympic cũng vậy nhưng SEA Games lại không có HCV cho sự nghiệp. Nhiều khi nghĩ mãi chắc do cái duyên của tôi ở SEA Games không đến. Từ câu chuyện của bản thân, mong các bạn VĐV bây giờ cùng học trò không bị các vấp ngã do chủ quan. Nói ngắn gọn những gì đã trải qua là bài học kinh nghiệm Thất bại để tìm ra bài học, thất bại để tìm ra cách sáng tạo, phát huy hơn trong các giải thi đấu về sau. Thể thao là thế, rất khó có thể nói trước được. VĐV phải hội đủ các yếu tố từ năng lực, điểm rơi phong độ, rồi sức khỏe, tính thời điểm cũng như không được phép chủ quan và cả may mắn đi kèm nữa. Tất cả đều quan trọng.Chúc cử tạ Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 31. |
Trần Tuấn (thực hiện)