Công viên và cao ốc
“Dòng sông đen” Tô Lịch sẽ được cải tạo để trở thành một quần thể công viên kéo dài 12km với đầy đủ cây xanh, mặt nước và các thiết chế văn hóa lịch sử - đó là ý tưởng trung tâm trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.
Được nhắc tới từ lâu nhưng khá thú vị, ý tưởng ấy được tiếp tục trao đổi đúng vào thời điểm Hà Nội đang trải qua chuỗi ngày nóng nhất của mùa Hè. Trong sự oi bức từ nắng nóng, dường
như cộng đồng đang khao khát hơn bao giờ hết về nhu cầu có thêm những công viên giữa lòng thành phố.
Ở hướng ngược lại, nếu chọn một hình ảnh khiến chúng ta thêm phần “vã mồ hôi” trong mùa Hè, hẳn nhiều người sẽ nghĩ tới những con đường rất vắng bóng cây, với những tòa cao ốc đồ sộ ken cứng 2 bên.
Không chỉ khiến không gian trở nên oi bức hơn với hơi nóng tỏa ra từ bề mặt bê tông, những đoạn đường ấy còn trở thành cực hình với người đi đường khi luôn xảy ra ùn tắc - như những gì từng xảy ra ở đoạn đường Lê Văn Lương của Hà Nội, nơi có 40 tòa nhà cao tầng “xếp hàng” suốt 2 km và cũng đang được cộng đồng “quan tâm” với sự chỉ trích suốt mấy tuần vừa rồi.
Cả công viên và cao ốc đều là những biểu tượng của một thành phố hiện đại và đạt tới một trình độ phát triển nhất định. Vậy nhưng, phải chăng quá trình đô thị hóa của chúng ta lại đang không có sự cân đối giữa những thiết chế này, khi những thành phố lớn như Hà Nội đang có quá ít công viên và… quá nhiều cao ốc?
***
Thật ra, cái sự “nhiều” cao ốc ở Hà Nội chủ yếu đến từ góc nhìn cảm tính của chúng ta, khi nhìn vào những trục đường lớn hoặc khu vực trung tâm. Để rồi, ở những không gian đắc địa ấy, các tòa cao ốc chen nhau bám sát mặt đường luôn được coi là tội đồ của nạn tắc đường và quá tải về hạ tầng. Trong khi đó, từ rất lâu, các chuyên gia quy hoạch đã chỉ rõ: Phát triển đô thị về chiều cao, với những tòa nhà chọc trời, chính là một giải pháp hữu hiệu để giảm bớt mật độ cư dân theo chiều rộng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đơn cử, cùng trong một lô đất hay một khu phố, nếu xây dày đặc nhà ống thấp tầng như tình trạng hiện nay, phần diện tích dành cho giao thông, không gian công cộng… chỉ có thể chiếm chưa tới 20%. Trong khi đó, nếu “chuyển” mật độ dân số tương đương lên các nhà cao tầng, phần diện tích xây dựng chỉ chiếm 10% của lô đất, và hoàn toàn có thể dành phần còn lại cho vườn hoa, công viên, bãi đỗ xe hay các tiện ích khác.
Và, khi những không gian sinh thái cũ giữa đô thị như sông Tô Lịch hay các công viên cũ không dễ để mở rộng vì vấn đề giải phóng mặt bằng, việc tổ chức thêm những thiết chế này ở những vùng đô thị mới của thành phố là vô cùng cần thiết. Tại đó, nếu như có sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống cao ốc cùng công viên, cây xanh, hồ điều hòa và tận dụng các phương tiện giao thông công cộng, chất lượng sống của người dân được tăng lên đáng kể - trong khi giá trị quỹ đất ở cũng tăng vọt vì liền kề các tiện ích trên.
Sẽ là gánh nặng rất lớn, nếu chúng ta chỉ trông đợi vào ngân sách để mong thụ hưởng những công viên giữa lòng thành phố. Nhưng cũng sẽ là vô lý, nếu cao ốc cứ tiếp tục mọc lên và “chen vai thích cánh” ở những nơi đã có sẵn hạ tầng - nhất là khi hạ tầng được Nhà nước đầu tư. Có nghĩa, câu chuyện ở đây là sự ràng buộc về cơ chế và trách nhiệm của phía quản lý trong quy hoạch, cũng như trong cơ chế để thu hút nguồn lực phát triển, để công viên và cao ốc cùng có thể phát huy những giá trị của mình...
Trí Uẩn