'Công viên sông Tô Lịch' có thành hiện thực? (kỳ 2 & hết): 'Điểm hẹn' của các nghiên cứu
Không có gì lạ, khi ý tưởng cải tạo và biến sông Tô Lịch thành một công viên lịch sử- văn hóa- tâm linh lại thu hút được sự chú ý đặc biệt từ dư luận. Bởi, đây là nhu cầu đã được các cơ quan quản lý lẫn người dân Hà Nội đặt ra từ hàng chục năm qua.
1. Cần nhắc lại, sông Tô hiện là con sông “chết” chứa nước bẩn và rác thải của Hà Nội. Từ đó, việc hồi sinh không gian này để trả lại chức năng của một con sông theo đúng nghĩa sẽ liên quan tới rất nhiều “gói” giải pháp phức tạp về xử lý ô nhiễm, tạo nguồn nước mới, thiết lập hệ thống gom và tách nước thải. Sự phức tạp ấy cũng là lý do khiến nhiều năm qua, các ý tưởng đề xuất cải tạo sông Tô Lịch chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.
Còn ở thời điểm hiện tại, với việc một số dự án thoát nước đang được triển khai dọc sông, cũng như việc Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá ở cuối nguồn đang được xây dựng, các tiền đề để hồi sinh sông Tô đã rõ ràng hơn trước. Nhưng, như phân tích của nhiều chuyên gia, ngay cả khi việc bổ cập nguồn nước cho sông (hiện đang được nghiên cứu) được hoàn thành trong tương lai, mọi việc vẫn chưa thể kết thúc nếu tính tới hiện trạng thủy văn, cũng như những thay đổi theo thời gian của con sông từng được coi là “Thành hoàng” của Hà Nội.
Bởi thế, dù đánh giá đề án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) có nhiều điểm tích cực và rất cần được tiếp tục nghiên cứu, thậm chí là tham khảo các ý kiến của chuyên gia và nhà khoa học, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng chỉ rõ: Đơn vị này mới chỉ đề xuất các giải pháp về không gian kiến trúc, cảnh quan và thoát nước trong khu vực sông Tô Lịch mà chưa có sự nghiên cứu trong mối liên hệ tổng thể giữa sông Tô Lịch với sông Lừ, sông Sét cũng như hệ thống thoát nước, tưới tiêu, thu gom nước thải… của thành phố.
Ở một góc độ khác, việc JVE đề xuất làm hệ thống hầm ngầm thoát nước và bể chứa cuối tuyến với quy mô đáp ứng trận mưa cường độ 500mm là khá lớn. Thực tế, hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện thiết kế với quy mô đáp ứng trận mưa có cường độ 310mm. Do vậy, nếu được triển khai, đề án này cũng cần phải nghiên cứu sâu để đáp ứng về mặt kỹ thuật để đầu tư mở rộng nhiều tuyến cống liên quan, đồng thời nâng công suất tại các trạm bơm hiện có.
Riêng với đề xuất làm hầm ngầm thoát nước kết hợp cao tốc chạy dọc 11km của sông Tô Lịch, Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng đây là giải pháp tương đối mới về kỹ thuật và công nghệ, cần được xem xét. Đặc biệt, nguồn lực để thực hiện đề xuất là rất lớn nên cần có phương án tính toán kỹ về kinh phí xây dựng và hình thức đầu tư khả thi.
2. Riêng ở nội dung liên quan tới cảnh quan của công viên, phía JVE cho thấy sự cầu thị và thận trọng khi nhiều hạng mục để ở dạng “mở”, mới dừng ở mức phác thảo ý tưởng trong lúc chờ thiết kế chi tiết hoặc xin ý kiến cộng đồng. Điển hình, ở các phần gắn với những triều đại nhà Hồ, Mạc hoặc Nguyễn, các nội dung văn bia, phù điêu - hoặc việc có nên dựng tượng cho một số nhân vật thuộc giai đoạn này - đều dự kiến sẽ thành lập một Hội đồng chuyên môn để nghiên cứu và tham vấn.
Sự thận trọng ấy là không thừa, khi việc triển khai những công trình văn hóa kéo dài suốt hơn 11 km dọc sông là vô cùng phức tạp, đặc biệt khi gắn với các khái niệm lịch sử - tâm linh. Đơn cử, đã có chuyên gia băn khoăn: Tượng các vị vua đứng đầu mỗi triều đại thường được đặt ở những vị trí trang trọng, để người dân có thể dâng hương và bày tỏ sự kính ngưỡng. Trong trường hợp đặt tại công viên dọc sông - vốn gần với mô hình của một tuyến phố đi bộ, phía thực hiện cần tính tới những giải pháp để vừa kiểm soát ý thức cộng đồng và bảo vệ công trình, vừa đảm bảo những giá trị lịch sử, tâm linh có thể lan tỏa nhưng không lệch lạc.
- 'Công viên sông Tô Lịch' có thành hiện thực? (kỳ 1): Viết tiếp 'giấc mơ lớn'
- Giải pháp cải tạo khôi phục để sông Tô Lịch hết ô nhiễm
- Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh
Hoặc, ở góc độ mỹ thuật, việc dựng tượng các nhân vật lịch sử từ trước tới nay vẫn thường trải qua nhiều vòng thi chọn, làm các mẫu với tỷ lệ 1/4 hoặc 1/2, sau đó được Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn thì mới xây dựng trên thực tế. “Đã gọi là biểu tượng văn hóa của Hà Nội thì việc tranh cãi để tìm sự đồng thuận là tất yếu. Chúng ta đã từng mất 5 năm trời thẩm định khi dựng tượng vua Lý Thái Tổ. Còn quần thể này dự kiến dựng hàng chục bức tượng, khó khăn sẽ nhân lên nhiều lần” - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận xét.
Trong khi đó, dù dùng 2 chữ “kỳ vĩ” để nói về dự án, GS Lê Văn Lan lại chia sẻ một lo lắng khá thực tế về kinh phí. Như lời ông, với hàng trăm đơn nguyên về phù điêu, tượng, bia, vườn hoa... đó sẽ là một con số khổng lồ kể từ các khâu thiết kế mẫu cho tới thi công. Và nếu chỉ trông đợi vào nguồn vốn xã hội hóa, việc “lấp đầy” các hạng mục dự kiến sẽ cần một thời gian rất dài.
Như thế, để có thể trở thành một công viên như đề xuất, sông Tô Lịch vẫn sẽ phải là “điểm hẹn” của các nghiên cứu trong thời gian sắp tới - dù rằng, những gì đang diễn ra cho thấy giấc mơ lớn ấy đã phần nào rõ nét và có tính khả thi.
Theo lãnh đạo Hà Nội, trong trường hợp sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Nhật Bản, đề án chắc chắn phải trình lên các cấp có thẩm quyền cao hơn để tiếp tục nghiên cứu và xem xét. |
Cúc Đường