'Công viên sông Tô Lịch' có thành hiện thực? (kỳ 1): Viết tiếp 'giấc mơ lớn'
Một lần nữa, ý tưởng về việc cải tạo tổng thể, biến không gian dọc sông Tô Lịch thành công viên văn hóa - lịch sử - tâm linh của Hà Nội lại được xới lên với những thông tin mới trong một cuộc hội thảo cuối tuần qua.
Hội thảo có tên Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt-Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch. Hội thảo do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) cùng các đối tác tổ chức với sự góp mặt của một số chuyên gia và lãnh đạo Hà Nội.
4 năm để xong hầm ngầm
Cần nhắc lại, đề xuất của công ty JVE và đối tác Nhật Bản từng đưa ra vào thời gian cuối năm 2020, được dư luận đặc biệt quan tâm - và đặc biệt, từng nhận giải ở hạng mục ý tưởng, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trao tặng năm 2021. Còn lần này, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh UBND Hà Nội từng có thông báo số 218 vào cuối tháng 5 với nội dung yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo về ý tưởng của JVE và đề xuất định hướng giải pháp quy hoạch cải tạo tổng thể sông Tô Lịch.
Được biết, kể từ khi đưa ra đề xuất, phía JVE vẫn liên tục khảo sát để xây dựng các thiết kế chi tiết. Theo đó, dự án có tổng chiều dài 12,6km, bắt đầu từ nơi “hợp lưu” của các trục đường Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám, Chợ Bưởi kéo dài dọc sông Tô Lịch tới điểm cuối là đập Thanh Liệt. Dự án gồm 2 hạng mục: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (dưới mặt đất) và cải tạo không gian dọc sông Tô Lịch thành một quần thể công viên đặc biệt.
Như chia sẻ, cụm công trình nhằm phát huy tác dụng một số dự án đang được Hà Nội triển khai để cải tạo sông Tô Lịch, mà gần nhất là xây dựng hệ thống cống gom dọc sông và nhà máy xử lý nước thải tại Yên Xá (dự kiến hoàn thành vào 2024). Khi hoàn thành, hệ thống hầm ngầm sẽ đảm bảo khu vực quanh sông Tô Lịch và vùng phụ cận không bị ngập cục bộ trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời tạo ra tuyến giao thông rút ngắn thời gian di chuyển tại khu vực thường xuyên kẹt xe này.
Tại hội thảo, phía JVE cũng cung cấp thêm thông tin về những câu hỏi từng được dư luận quan tâm. Cụ thể, để đi vào hoạt động trước 2030, phần hầm ngầm chống ngập có thể hoàn thành trong 4 năm, có tham khảo một mô hình tương tự tại Malaysia (dùng 2 máy khoan đường hầm từ hai đầu để rút ngắn một nửa thời gian thi công). Phương án tài chính dự kiến đề xuất chủ yếu dùng vốn vay ODA từ Nhật Bản và một phần vốn đối ứng trong nước. Dự án không tác động đến khu dân cư 2 bên sông, và cũng không ảnh hưởng tới “long mạch” như lo lắng của nhiều người (hầm chui chỉ nằm dưới các tuyến đường ven sông).
Không “lấp sông” để làm công viên
Riêng ở nội dung xây dựng công viên Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt-Nhật), phía JVE đã đưa ra khá nhiều chi tiết cụ thể so với ban đầu. Đặc biệt, đơn vị này cũng khẳng định: Dự án không hề tính tới việc lấp một phần lòng sông để làm công viên như một số người hiểu lầm, đồng thời vẫn bảo tồn nguyên trạng các di tích dọc Tô Lịch.
Theo đó, giống với mô hình khá phổ biến trên thế giới, hai bờ kè đá hộc mái dốc dẫn xuống lòng sông Tô Lịch hiện nay sẽ được phá dỡ và xây thành bờ kè thẳng đứng, từ đó tạo ra những đường dạo dưới thấp, dọc hai bên lòng sông. Ngoài ra, phía dưới đường dạo này được tính toán đặt các cửa tràn thu nước dẫn vào hệ thống hầm ngầm chống ngập để khống chế mức nước trên sông vẫn không tràn lên đường đi dạo kể cả trong trường hợp có mưa lũ hoặc nguồn nước bổ cập.
- Giải pháp cải tạo khôi phục để sông Tô Lịch hết ô nhiễm
- Hà Nội đề xuất phương án dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch
- Hà Nội sẽ xây cầu qua sông Tô Lịch và đường Láng
Chính khu vực lòng sông và đường đi bộ, cũng như phần tường kè hai bên, là cơ sở để nhiều công trình văn hóa được đề xuất xây dựng. Cụ thể, đó là một số tượng đài được xây nổi trên sông, hệ thống cầu mái vòm nối hai bên bờ với độ cong phù hợp để thuyền chở khách du lịch đi qua, hệ thống tranh tường và phù điêu gắn trên nền tường kè. Về nội dung, phần không gian trải dài hơn 12 km này gắn với 18 phân đoạn lịch sử của Việt Nam (kể từ thời Lạc Long Quân - Âu Cơ cho tới thời đại ngày nay), đồng thời có thêm một khu vực giới thiệu văn hóa Nhật Bản kèm thêm các tranh tường phù điêu gợi nhớ mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước.
Cần khẳng định, một số ý tưởng về các hạng mục này cho thấy sự nghiên cứu khá chi tiết từ đề án về lịch sử và các đặc điểm hiện có của không gian dọc sông Tô Lịch. Đó là các khu thực thể (tái hiện các công trình mỹ thuật - kiến trúc nổi tiếng trong lịch sử), khu văn bia (khắc công đức của các danh nhân hoặc niên biểu tóm tắt lịch sử các thời đại), khu quảng trường với những cái tên Thăng Long tứ trấn, Tứ bất tử, khu sa bàn (mô phỏng các trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc)…
(còn tiếp)
Cúc Đường