Công tác đào tạo VĐV trẻ nhìn từ Đại hội TDTT toàn quốc 2014: Ít niềm vui, nhiều nỗi lo
(Thethaovanhoa.vn) - Đa số các đoàn vào cuộc ở Đại hội đều có tâm lý “săn” được càng nhiều huy chương càng tốt và trong tính toán của nhiều đoàn, đây không phải là chỗ mạo hiểm để cho các tài năng trẻ thử sức. Tâm lý này không chỉ tước đi cơ hội thi đấu của nhiều tài năng trẻ xuất sắc đang trong quá trình cần được trui rèn bản lĩnh, mà còn đem lại những cái nhìn thiếu lạc quan về bức tranh toàn cảnh của thể thao Việt Nam trong tương lai.
Thống kê một cách tương đối, hiện thể thao Việt Nam có trên 1.000 VĐV các ĐTQG ở lứa tuổi trẻ tập trung ở các Trung tâm HLTTQG và Trung tâm đào tạo tài năng trẻ của thể thao trên toàn quốc. Đây mới là số lượng VĐV ở các đội tuyển trẻ, chứ chưa tính đến số lượng VĐV ở các địa phương và chắc chắn, số VĐV trẻ trên toàn quốc còn lớn hơn rất nhiều con số nêu trên.
Không tin vào lực lượng trẻ
Dẫu vậy, tại Đại hội TDTT toàn quốc vừa qua, số lượng VĐV từ 18 tuổi trở xuống xuất hiện trong các cuộc thi đấu là không nhiều, nếu như không muốn nói là rất hạn chế.
“Vẫn có những địa phương cử lực lượng trẻ tham dự các môn thi ở Đại hội nhưng thực tế là số lượng này không nhiều. Hầu như các đoàn đều muốn đưa các VĐV giàu kinh nghiệm thi đấu và đây cũng là điều dễ hiểu khi họ đều có những nhiệm vụ chuyên môn khác nhau”, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2014, cho biết.
Trong tâm lý của nhiều lãnh đạo đoàn thể thao địa phương, việc tạo cơ hội thi đấu cho VĐV trẻ thường rất khó khăn bởi nhiều lý do. Việc đăng ký thi đấu theo quy định ở nhiều môn, nhiều nội dung có sự hạn chế 1 VĐV chỉ được thi đấu 1 nội dung. “Vì thế, dù có muốn tạo điều kiện cho VĐV trẻ cũng rất khó và thường sự ưu tiên hàng đầu phải dành cho VĐV giàu kinh nghiệm, đã có thành tích ở nhiều giải trước. Ngoài ra, kinh phí thi đấu Đại hội đối với mỗi đoàn khác nhau và thường số lượng buộc phải hạn chế ở mức tối đa, nên có muốn để VĐV trẻ thi đấu cọ xát cũng không dễ. Rất nhiều địa phương thà bỏ một số tiền để chuyển nhượng VĐV có thành tích về thi đấu, chứ chưa chắc đã mạo hiểm sử dụng 1 VĐV trẻ tại Đại hội”, một trưởng đoàn chia sẻ.
Không thi đấu, khó trưởng thành
Đối với các VĐV trẻ, cơ hội thi đấu tại Đại hội là cơ hội rất tốt để trui rèn bản lĩnh, cũng như được “hít thở” bầu không khí của các cuộc so tài đỉnh cao. Tuy nhiên, tâm lý không tin tưởng của nhiều địa phương như trên, khiến cho các tài năng trẻ mất thêm rất nhiều thời gian mới có thể trưởng thành và mất cả cơ hội được đầu tư nâng cao thành tích.
Câu chuyện ở môn Thể dục dụng cụ là một ví dụ rất điển hình. Tại Đại hội lần này, nếu như những gương mặt trẻ như Dương Thị Tố Liên (15 tuổi), Trần Đoàn Quỳnh Lam (12 tuổi), Trương Khánh Vân (13 tuổi) không được trao cơ hội thi đấu, có lẽ chưa biết đến bao giờ những tài năng trẻ mới có cơ hội được biết tới. “Thành tích của các em chưa vượt qua được các đàn chị và mới chỉ giành được HCB, HCĐ ở một vài nội dung, nhưng qua lần thử sức ở Đại hội họ đã cho thấy tiềm năng phát triển rất tốt và có thể tiến xa hơn rất nhiều nếu như nhận được sự đầu tư trong tương lai”, bà Nguyễn Kim Lan - Trưởng bộ môn Thể dục - Tổng cục TDTT, cho biết.
Hay như ở môn bắn súng, xạ thủ Hồ Viết Thanh Sang (Quảng Nam) đã gây nhiều bất ngờ lớn, khi vượt qua hàng loạt tên tuổi để giành tấm HCV nội dung 10m súng trường hơi nam khi mới 16 tuổi. Thanh Sang trước đây từng sở hữu rất nhiều KLQG ở các giải trẻ, song nếu không có Đại hội, chắc chắn, khó có thể nhận ra được tiềm năng phát triển rất đáng quý của tay súng trẻ này.
“Qua các cuộc thi đấu ở Đại hội, đã phát hiện ra được những gương mặt rất tiềm năng ở lứa tuổi trẻ để ngành thể thao tập trung đầu tư nhằm vươn tới thành tích khu vực, châu lục và thế giới”, ông Vương Bích Thắng khẳng định.
Phúc Hưng
Thể thao & Văn hóa