Công Phượng không phải ngại Yuma Suzuki
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Sint Truidense, Công Phượng đã được trao số áo 15 mà Daichi Kamada để lại, nhưng người được kỳ vọng thay thế trực tiếp chân sút số một CLB mùa trước lại không phải là anh. Mà đó là một tân binh khác, Yuma Suzuki.
Mùa giải 2018-19 vừa rồi, cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Sint Truidense là Daichi Kamada, tiền đạo mà họ mượn từ Frankfurt, với 15 bàn thắng. Tuy nhiên, Kamada đã phải trở lại Frankfurt để gánh vác hàng công đội bóng này, sau khi họ bán ngôi sao Luka Jovic sang Real Madrid với giá 60 triệu euro. Và để tìm người thay thế Kamada, HLV Marc Brys đã đưa về Yuma Suzuki, cầu thủ xuất sắc nhất AFC Champions League 2018.
Suzuki sẽ là Kamada 2.0?
Không quá khó để nhận ra những nét tương đồng giữa Yuma Suzuki và Daichi Kamada. Họ cùng sinh năm 1996, cùng là mẫu tiền đạo toàn diện có thể đá cả vị trí trung phong và vị trí hộ công. Kamada cao 1m80, Suzuki cao 1m82 và cũng rất mạnh mẽ, càn lướt. Kamada ghi 15 bàn cho Sint Truidense mùa trước, trong khi Suzuki nã 17 bàn cho Kashima Antlers.
Xét về thành tích và danh hiệu, Yuma Suzuki thậm chí còn trội hơn cả Kamada. Anh là nhân tố chủ chốt giúp Kashima Antlers giành AFC Champions League, và thậm chí còn được nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải, đồng thời là một trong những ứng viên cho danh hiệu Quả bóng Vàng châu Á. Kamada được trang transfermarkt định giá 4,5 triệu euro, gấp đôi so với số tiền Sint Truidense bỏ ra chiêu mộ Suzuki (2,2 triệu euro), song điều này cũng dễ hiểu vì Kamada đã khẳng định mình ở giải vô địch Bỉ, còn Suzuki mới bắt đầu cuộc viễn chinh tại châu Âu.
Mùa trước, vị trí quen thuộc của Kamada là đá cặp tiền đạo cùng Yohan Boli, chân sút mang hai quốc tịch Bờ Biển Ngà và Pháp. Đây cũng là cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Sint Truidense (2,7 triệu euro). Tuy nhiên, anh cũng có thể đá tốt ở vị trí tiền đạo lùi. Chẳng hạn như ở trận thắng Zulte Waregem tháng 11/2018, khi Kamada đá hộ công trong sơ đồ 4-2-3-1 và chính anh đã khởi đầu cho màn ngược dòng của đội nhà. Mùa giải này, sẽ không ngạc nhiên khi HLV Marc Brys tiếp tục sơ đồ 3-4-1-2 ưa thích của ông, và cặp tiền đạo sẽ là bộ đôi đắt giá nhất của CLB, Yuma Suzuki – Yohan Boli. Việc Suzuki được trao chiếc áo số 9 mà Duckens Nazon (cho mượn tới St Mirrent) là một minh chứng.
Công Phượng, với thể hình hạn chế, gần như không có cửa cạnh tranh ở vị trí đá cắm tại Sint Truidense, khi mà dự bị cho bộ đôi Suzuki – Boli còn có Wolke Janssen, Kosuke Kinoshita. Anh cũng không thể dạt phải bởi đó là vị trí cố định thuộc về đội trưởng Jordan Botaka. Còn ở biên trái, chân sút từ lò Ajax Elton Acolatse đang là lựa chọn số một.
Cơ hội nào cho Công Phượng?
Nói như vậy không có nghĩa Công Phượng vô vọng trong việc tìm kiếm cơ hội thi đấu tại St Truidense. Sự thực là đội bóng Bỉ vẫn còn một số vị trí đang để ngỏ cho các cầu thủ cạnh tranh, và người nào thuyết phục được HLV Marc Brys thì sẽ tận dụng được thời cơ.
Mùa giải vừa rồi, ngoài Daichi Kamada, Sint Truidense đã chia tay một số cầu thủ đáng chú ý như Alexis De Sart, Rai Vloet, và Cristian Ceballos. Điểm chung của bộ ba này? Họ đều từng đá ở vị trí hộ công ở mùa giải trước, nhưng không gây ấn tượng mạnh và đã bị thanh lý. Một cầu thủ từng chơi khá thành công ở vị trí "số 10" này mùa trước là Roman Bezus thì cũng đã bị bán sang Gent ở nửa sau mùa giải. Đây có lẽ chính là "địa hạt" mà Công Phượng có thể tìm kiếm cơ hội thi đấu.
Thật ra, ngay cả ở vị trí này, Công Phượng cũng sẽ phải nỗ lực hết sức mình. Anh sẽ phải cạnh tranh với Alexandre De Bruyn (1994, cao 1m77) và Ibrahima Sory Sankhon (1996, 1m77). Cả hai cầu thủ này đều chỉ đá dự bị ở mùa giải trước, vào sân một số trận, và không ghi được bàn thắng nào, nên Phượng hoàn toàn có cơ hội để ghi điểm với HLV Marc Brys. So với bộ đôi trên, Phượng vẫn thua kém về thể hình, song vị trí hộ công không quá đòi hỏi chiều cao, mà quan trọng là tốc độ, tư duy chiến thuật, và sự ăn ý với các đồng đội.
Chỉ có một điều người ta vẫn rất băn khoăn: Ở Incheon United, Công Phượng cũng từng được trao cơ hội ở vị trí hộ công, nhưng không thành công. Lý do thứ nhất: Đối tác trên hàng công của Công Phượng quá tệ nên bỏ lỡ không ít những cơ hội mà anh kiến tạo. Lý do thứ hai: Bản thân anh cũng không phát huy được hết sức mạnh của mình.
Vào lúc 0 giờ đêm nay (giờ Hà Nội), Sint Truidense sẽ đá trận giao hữu cuối cùng của mùa hè, gặp Lommel SK. Liệu đây có phải thời điểm Công Phượng ra mắt đội bóng mới?
Công Phượng không phải cầu thủ thấp nhất Với chiều cao 1m68, Công Phượng bị cho là cầu thủ nhỏ con nhất của Sint Truidense, nhưng thật ra không phải. Người có chiều cao khiêm tốn nhất bên phía đội bóng Bỉ là tiền vệ phòng ngự người Ghana Samuel Asamoah. Anh này chỉ cao vỏn vẹn 1m66 và nặng 63 kg. Công Phượng và Asamoah cũng là hai cầu thủ hiếm hoi có chiều cao dưới 1m75 ở Sint Truidens hiện nay. Mùa trước, Sint Truidense cũng có một cầu thủ có vóc dáng xấp xỉ Công Phượng là Takahiro Sekine (1m70), nhưng tiền vệ này đã gây thất vọng và phải trở về nước khoác áo Urawa Reds. Cầu thủ cao nhất của Sint Truidense là hai thủ môn dự bị Maxime Wenssens, và Lucas Pirard (1m91). Hai người khác cũng có chiều cao khá ấn tượng là tiền đạo Kosuke Kinoshita (1m90) và trung vệ Jorge Texeira (1m88). |
Tuấn Cương