Công Phượng, đi vững rồi hãy...chạy chậm
Có tin Công Phượng sẽ về lại Việt Nam thi đấu, hoặc tìm kiếm một CLB khác để tiếp tục ở lại Nhật Bản nhưng dù là gì đi nữa, có lẽ đây chỉ còn là vấn đề của cá nhân tiền đạo một thời được yêu mến này mà thôi.
Chuyến sang Nhật Bản lần thứ 2 của Công Phượng đơn giản là thất bại. Yokohama FC bị xuống hạng, trong khi Công Phượng chưa ra sân trận nào ở J-League trong cả mùa bóng. Anh có 2 lần xuất hiện trong màu áo Yokohama tại Cúp liên đoàn, nhưng thậm chí còn chưa chạm được bóng. Mới đây, Công Phượng không được HLV Philippe Troussier triệu tập lên ĐTQG.
Công Phượng có ở lại để tìm kiếm cơ hội khác hay không, thì ngay thời điểm này, đã đủ thời gian để kết luận: Khả năng xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam đang đi dần vào bế tắc.
Từ sau sự trở về không kèn trống của tiền vệ Quang Hải đến nay, việc kỳ vọng về các chuyến xuất ngoại kế tiếp cũng nguội lạnh. Vì thế, đã đến lúc nhìn nhận cơ hội ra nước ngoài thi đấu của cầu thủ Việt dưới lăng kính chuyên môn một cách sòng phẳng, thay vì "đổ" cho các yếu tố khác biệt văn hóa, ngôn ngữ khiến họ không thành công.
Về mặt thời gian, chúng ta đã có một "độ lùi" đủ để tỉnh táo hơn khi đặt kỳ vọng cho các cầu thủ, đặc biệt là sau thất bại của các CLB tại sân chơi châu Á. Hai đại diện Việt Nam là Hà Nội FC và Hải Phòng đều bị loại tại AFC Champions League lẫn AFC Cup. Đây là 2 đội bóng có bản sắc về mặt lối chơi, có thực lực, tham vọng và cũng sở hữu nhiều cầu thủ giỏi của bóng đá Việt Nam.
Đặc biệt là Hà Nội, với việc "thống trị" bóng đá Việt Nam hơn một thập kỷ qua nên năm nào cũng xuất ngoại thi đấu ở các đấu trường châu Á. Vậy nhưng cho đến nay, dù cố gắng hết sức, thì ở góc độ thành tích cũng chỉ vào đến bán kết AFC Cup hồi năm 2019, tương đương với những gì Bình Dương đã làm hồi năm 2009. Một vài trận đấu tốt trước các đội bóng mạnh, hay chiến thắng trước Wuhan Three Towns (Trung Quốc) mới đây cũng chưa thoả mãn được những kỳ vọng từ công chúng, cũng như chắc chắn là không phải mục tiêu của chính Hà Nội FC.
Điều này chứng minh chất lượng cầu thủ Việt Nam vẫn chưa đủ tốt ngay tại châu Á. Nghĩa là thuần túy chuyên môn, không liên quan gì đến khả năng hòa nhập hay trở ngại văn hóa. Những thành công trong màu áo ĐTQG không phải là sự phản ánh chân thực nhất về trình độ cầu thủ, bởi phần lớn thời gian của họ thi đấu trong màu áo CLB nên một khi tập thể ấy chưa vượt lên trình độ châu Á thì khó nói chuyện cá nhân cầu thủ đủ sức sang châu Âu. Nói dễ hiểu, là ví dụ như các đội đến từ J-League hay K-League đá với Hà Nội FC mà thắng dễ thì liệu họ có hứng thú tuyển mộ bất kỳ cầu thủ nào của đội vừa thua mình hay không?
Vấn đề đặt ra, đó là nếu phải xuất ngoại thì nên đi đâu chứ không phải là không nên nghĩ về chuyện ra nước ngoài thi đấu. Công Phượng và Quang Hải đều tài năng, nhưng sang Nhật Bản hay Pháp thì đều ngồi dự bị và phong độ sa sút. Trong khi đó, trong 20 năm qua, chỉ có đúng 3 cầu thủ Việt Nam từng sang Thái Lan chơi bóng dù trước đó, có gần 20 cầu thủ Thái Lan từng sang V-League kiếm sống.
Ở AFC Champions League mùa này, Thái Lan có đến 3 đại diện dự vòng bảng (Việt Nam chỉ có 1), trong đó đội Bangkok United đã vượt qua vòng bảng, xếp trên cả nhà vô địch Hàn Quốc Jeonbuk. Một đội bóng khác là Buriram United hiện vẫn còn cơ hội dù rơi vào bảng đấu với 3 đại diện đến từ Nhật Bản, Australia và Trung Quốc.
Nhưng ngẫm cho cùng, đi đâu không quan trọng, cái chính là được ra sân chơi bóng ở đẳng cấp phù hợp. Màn trình diễn của các CLB Việt Nam tại đấu trường châu Á suốt hơn 20 năm qua cũng đã đến lúc phải làm "tổng kết" vì có những chỉ dấu cho thấy hoặc chúng ta không thể vượt qua giới hạn, hoặc đi quá chậm đến mức lạc lối. Có lẽ cái quan trọng nhất vẫn là cải tổ V-League một cách thực chất hơn.
Những sự hưng phấn gần đây chủ yếu được truyền cảm hứng từ thành công của ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo, nhưng các va đập liên tục cũng đã đủ để đưa mọi thứ trở lại với những vấn đề thực chất. Giống như cái cách mà HLV Troussier đang làm ở đội tuyển, trông có vẻ phũ phàng nhưng rõ ràng mục tiêu của những đổi thay ấy là để tạo ra những bước đi vững trước khi chạy. Mà kể cả có chạy, cũng nên chạy chậm thôi.