Công bố kết quả khai quật phế tích tháp Rừng Cấm tại Bình Định
Kết quả khai quật cho thấy đây là quần thể tháp gồm 3 tháp, đã trải qua 7 thế kỷ, chứng minh một giai đoạn hình thành và phát triển vùng đất Bình Định trong lịch sử.
Với những phát lộ các nền móng kiến trúc có thể khẳng định, khu phế tích tháp Rừng Cấm trong lịch sử có 3 tháp: tháp chính, tháp cửa và tháp cổng. Điều đặc biệt trong quần thể kiến trúc này tìm thấy khá nhiều ngói lợp có nhiều kích cỡ khác nhau, có những loại ngói có niên đại sớm thế kỷ VIII-IX, đa số là ngói móc hình mũi lá niên đại XIII-XV. Điều này cho thấy, trong quần thể này trước khi xây dựng tháp người ta đã hình thành khu tâm linh bằng nhà mái lợp, sau đó mới xây khu kiến trúc tháp gạch.
Kết quả khai quật đã thu thập được 679 hiện vật, bao gồm các loại đất nung, đá trang trí, tai trang trí đất nung và đá, ngói âm dương, gốm men Việt Nam, gốm Chăm, gốm Trung Quốc và một chiếc đĩa đồng Chăm. Những hiện vật được khai quật ngoài việc cho mọi người nhận thức mới về khu kiến trúc tháp Rừng Cấm trong lịch sử rất hữu dụng cho công tác nghiên cứu và trưng bày.
Trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là các trang trí kiến trúc hình tai lửa đất nung và đá, ngoài ra còn có một số mảnh Kala (Thần thời gian), đáng chú ý nhất là 2 hiện vật đá kích thước lớn đó là phù điêu thần Mahisha-Mardini (Nữ thần giết quỷ) và bệ thờ, đây là 2 tiêu bản đẹp được tìm thấy trong phế tích này.
Đặc biệt, trong đợt khai quật tìm thấy 1 hiện vật duy nhất bằng kim loại đồng, hiện vật không có hoa văn trang trí nhưng là hiện vật hiếm thấy trong các di tích Champa.
Trong hệ thống di tích Chăm còn lại trên vùng đất Bình Định, ngoại trừ vùng đất An Nhơn kinh đô xưa của vương triều Viyaja, trong tổng số 52 phế tích Bảo tàng khảo sát thống kê trước đây và mới đây, vùng đất Tây Sơn là địa phương có nhiều di tích nhất. Với 12 di tích trong đó có 2 khu tháp Thủ Thiện và Dương Long là còn nguyên, 10 di tích thuộc dạng phế tích đều là những di tích mới phát hiện, Gò tháp Rừng Cấm nằm trong dạng phế tích đó và đây cũng là lần đầu tiên Bảo tàng Bình Định tiến hành nghiên cứu phế tích này.