'Cơn lũ' mang tên 'Hồ Thiên Nga'
Vì sao Hồ Thiên Nga dậy sóng?
Trước khi kịp gây sửng sốt cho công chúng với những tiết lộ về màn hình 3D tuyệt mỹ cũng như “độ khủng” về số kinh phí được lấp lửng là có thể lên tới hàng triệu USD, Hồ Thiên Ngađến Hà Nội đã là cái tin được chú ý. Nó không được chú ý mới là lạ. Bởi Việt Nam - Liên Xô (cũ) từng đặt nền móng ngoại giao từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Theo một con số thống kê, số lưu học sinh Việt từng học tập, làm việc và sinh sống ở Nga có thể lên tới con số hàng trăm ngàn. Rất, rất nhiều trong số họ giờ đã ở các vị trí quan trọng, thành đạt. Họ chính là những người đầu tiên tạo nên “cơn sốt” này.
Một người bạn tôi, từng làm báo, đã “săn lùng” cho đến cùng tấm vé của Hồ Thiên Nga. Hai vợ chồng chị đều từng học và sống ở Nga gần mười năm trời. Họ trở về Hà Nội để tổ chức đám cưới rồi tiếp tục quay trở lại Nga học tiến sĩ. Cậu con trai đầu lòng của họ cũng sinh ở Nga... Ngần ấy thời gian, ngần ấy kỷ niệm thì làm sao mà họ lại không đến xem đêm duy nhất của Hồ Thiên Nga ở Hà Nội cho dù cặp vé của đêm diễn có thể hơn cả 9 triệu đồng.
PGS Nguyễn Thị Minh Thái cũng có sáu năm học tập ở Nga. Bà kể từng vô cùng hạnh phúc khi được hai lần xem Hồ Thiên Nga ở Nhà hát Bolsoi Moskva và ở St.Peterbourg.
“Như một cơ duyên cách đây nửa tháng, tôi được người bạn tặng một CD mang về từ Mỹ của nhà soạn nhạc Nga vĩ đại Peter Ilyich Tchaikovski (1840-1893), mở đầu bằng Dàn nhạc giao hưởng St.Petersburg chơi bản nhạc Hồ Thiên Nga (The Swan Lake) của ông. Nghe đi nghe lại mãi vẫn thấy đắm chìm trong những cung bậc ấy” - PGS Nguyễn Thị Minh Thái kể. Điều thôi thúc những người như PGS Thái phải đến xem Hồ Thiên Nga là bởi bà muốn biết vở ballet kinh điển được làm mới như thế nào.
Còn nữa, tại buổi gặp gỡ quy mô hẹp giữa Nhà hát Talarium Ed Lux và hai nghệ sĩ solist với báo giới tại Hà Nội, có nhà báo đã trò chuyện với nữ diễn viên chính bằng tiếng Nga, và một vài người trong số này thì cũng nghe hiểu một chút các trao đổi. Các nghệ sĩ Nga không giấu nổi sự ngạc nhiên khi ở một đất nước xa xôi, nhiều người nói và hiểu được tiếng mẹ đẻ của họ.
Thực tế, những năm 1990, các trường học phổ thông ở Việt Nam vẫn dạy môn ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Nga. Các 8X đã học tiếng Nga đến tận cấp hai. Nói thêm như vậy để thấy, văn hóa, ngôn ngữ Nga có tầm ảnh hưởng như thế nào ở Việt Nam, cho đến tận hôm nay.
Nếu không phải Hà Nội, Hồ Thiên Nga sẽ lặng sóng?
Tổ chức ở Hà Nội là phương án tối ưu cho Hồ Thiên Nga. Chắc chắn chỉ có cách lấp đầy hơn 3.800 chỗ ngồi ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số lượng ghế gấp hơn 6 lần Nhà hát Lớn Hà Nội và gấp gần 4 lần Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, gấp gần 8 lần Nhà hát TP.HCM), thì nhà tổ chức mới kéo lại số vốn lên tới hàng triệu USD như đã chia sẻ.
Nhưng việc lấp đầy khán phóng đã khó, việc có “chọn” được đối tượng khán giả phù hợp lại là chuyện khác. Còn nhớ tại đêm chung kết một cuộc thi ca hát trên truyền hình được tổ chức ở TP Hải Phòng, khán giả đã tỏ ra bức xúc khi có hai “vị khách đặc biệt” mặc áo may ô và đồ ngủ ngồi chễm chệ ở hàng ghế VIP. Có thể họ là người nhà/bạn bè được một VIP nào đó tặng lại tấm vé mời.
Trong khi đó, nhiều người có nhu cầu thực sự lại phải bỏ tiền mua vé mời từ chợ đen hoặc đành ở nhà xem chương trình qua ti-vi. Chiếc vé đến không đúng đối tượng có thể tạo nên tình huống “dở khóc, dở cười”...
Thế nhưng, lo lắng về thành phần khách mời đã không “gây khó” cho nhà tổ chức vở ballet Hồ Thiên Nga dù trước đó họ từng tuyên bố thông tin về vé bán ra một cách phũ phàng trên mặt báo: “Số lượng vé bán ra rất hạn chế”.
Đêm diễn Hồ Thiên Nga ở Hà Nội, trời đổ mưa. Thế nhưng từ hơn 19h, khán giả đã đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia, xếp hàng một cách lịch sự để vào xem vở diễn. Có thể bắt gặp ở đây nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở Hà Nội. Chắc hẳn, họ cũng không thể bỏ qua một đêm diễn như vậy.
Từ khi khánh thành cách nay chừng 10 năm, Trung tâm Hội nghị Quốc gia trở thành địa điểm biểu diễn quen thuộc với công chúng thủ đô. Những Richard Clayderman, Micheal Learn To Rock đến Super Junior, Sistar hay Khánh Ly, Bằng Kiều... đã từng biểu diễn ở sân khấu này.
Nhưng thực sự, trong những đêm diễn của các tên tuổi “cỡ bự” kể trên, không phải đêm diễn nào cũng lấp đầy khán phòng. Thậm chí, có những chương trình, đến gần giờ diễn, nhà tổ chức còn phải dùng chiêu bán vé đồng hạng mới “tiêu” nổi số lượng vé “khổng lồ” này.
Còn với Hồ Thiên Nga 3D, rõ ràng, khi nhà tổ chức tuyên bố “vé bán hạn chế” cũng có nghĩa là, vé đã được đặt hàng. Và giống như mọi sản phẩm đã được “order” cho một nhóm đối tượng thì chắc hẳn nhóm này phải là chọn lọc. Như lời giới thiệu của đại diện nhà tài trợ, đó là các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, là đại diện các doanh nghiệp, là nghệ sĩ, nhà báo... Giữa các phân đoạn họ đều phấn khích vỗ tay.
Tất nhiên, cũng có một số tiếng vỗ tay lạc lõng khi cao trào. Nhưng đó chỉ là một chút gia vị bỏ nhầm trong một bữa tiệc thịnh soạn, và không phải là vấn đề đáng nói. Bởi khán giả không thể rời mắt khỏi sân khấu. Các diễn viên quyến rũ khán giả bằng những động tác hình thể đẹp mắt và chuẩn xác. Câu chuyện tình yêu muôn thuở của công chúa, hoàng tử được minh họa trực quan hơn bằng những màn hình sống động gây thích thú với nhiều khán giả trẻ.
Tuy nhiên, nhiều khán giả kỹ tính cho rằng, họ có quyền đòi hỏi vở diễn phải hoàn hảo với một dàn nhạc chơi trực tiếp. Hơn 200 USD bỏ ra cho một tấm vé không hề rẻ, thậm chí so với cả các chương trình biểu diễn ở chính châu Âu...
Trong khi đó, nhiều khán giả hài lòng khi họ không phải bỏ ra hàng ngàn USD đến tận nước Nga mới xem được ballet, hay chí ít cũng phải sang tận Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... để thưởng thức loại hình nghệ thuật cổ điển này.
Hậu Hồ Thiên Nga, nhớ lại câu chuyện của nhà báo kỳ cựu Lại Văn Sâm. Ông từng sinh sống và học tập tại Nga 12 năm, từ khi mới 17 - 18 tuổi, có thể nói cả tuổi trẻ, ông ở nước Nga. Đến giờ ông vẫn yêu nước Nga.
Thế mà điều ông trăn trở nhất là thời gian tới ông sẽ nghỉ hưu, không biết có còn đồng nghiệp nào tâm huyết dành ra hàng năm trời để sản xuất mỗi năm một lần bộ phim tài liệu Bài ca chiến thắng về nước Nga như ông đã từng làm nhiều năm nay không... Lại Văn Sâm nói: “Làm chương trình về nước Nga không chỉ để giới thiệu với khán giả về quốc gia này mà còn đang giúp nuôi dưỡng chính tâm hồn chúng ta”.
Khó có thể kiểm chứng về sự “nuôi dưỡng tâm hồn” của một vở ballet. Nhưng dù gì, đó cũng là một dấu ấn...
Bài: Hà Chi - Ảnh: Xuân Bình
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần