CỜ TƯỚNG Ở VIỆT NAM: Từ trò tiêu khiển tới môn thể thao vô địch thế giới
Sự kiện kỳ thủ cờ tướng Việt Nam Lại Lý Huynh giành HCV giải cờ tướng nhanh thế giới 2023 gần đây đã gây chú ý. Chức vô địch của Đặc cấp quốc tế đại sư này là minh chứng mới nhất cho thấy vị thế ngày càng cao của cờ tướng Việt Nam trước sự ngưỡng mộ của truyền thông quốc tế.
Tình yêu cờ tướng của người Việt
Năm 2017, tờ Sina (Trung Quốc) đăng tải bài viết thể hiện sự ngỡ ngàng về độ phổ biến của môn cờ tướng tại Việt Nam. "Thật bất ngờ khi cờ tướng rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Ước tính có khoảng 1/3 dân số trong gần 100 triệu người Việt Nam có thể chơi cờ tướng. Dù rằng tổng số lượng người chơi cờ tướng của Việt Nam không thể vượt qua Trung Quốc nhưng tỷ lệ phổ biến thì đã vượt qua chúng ta", tờ báo của Trung Quốc viết.
"Khi đi bộ trên đường phố Hà Nội, bạn có thể bắt gặp một vài người quây quần chơi cờ tướng với nhau. Có đủ mọi lứa tuổi tham gia vào môn cờ này. Thậm chí có cả những phòng chơi dành cho những người đam mê cờ tướng. Người dân Việt Nam còn chơi cờ tướng cả vào những lúc nghỉ ngơi", tờ Sina viết thêm.
Trong khi đó, BNN Network nói về cờ tướng ở Việt Nam: "Xiangqi, còn được gọi là cờ tướng, không chỉ là một trò tiêu khiển ở Việt Nam mà còn là một phần văn hóa và lịch sử của đất nước này, nó như một bài kiểm tra về sự nhanh nhẹn tinh thần và các kỹ năng chiến thuật. Trò chơi chiến thuật dành cho hai người này là một trong những trò chơi cờ phổ biến nhất ở Trung Quốc và đã tìm được chỗ đứng đáng nể ở Việt Nam".
"Cờ tướng khác với cờ vua ở một số điểm. Đầu tiên, cờ tướng sử dụng các quân cờ hình tròn có ghi ký hiệu đặc trưng. Cờ tướng không có quân hậu nhưng có những quân pháo có thể nhảy cóc để ăn lấy quân của địch thủ. Ngoài ra, quân tướng (tương đương với vua trong cờ vua) chỉ có thể di chuyển bên trong 4 ô hình vuông có hai đường chéo giao nhau. Trò chơi này rất phức tạp nhưng nó là một phần của văn hóa phong phú của Việt Nam", BNN Network phân tích.
Tờ Chinaqw viết: "Cờ tướng ở Việt Nam thường được bán trong nhiều cửa hàng, hiệu sách. Mỗi cuối tuần, nhiều người dân đánh cờ tại các công viên ở Hà Nội trong không gian thoáng đãng. Thậm chí có một vòng những người xem ở bên cạnh, nhìn qua không khác gì khung cảnh ở Trung Quốc".
Không thể xác định chính xác thời điểm cờ tướng được du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên trò chơi này đã được đưa vào những áng văn chương của các thi sĩ Việt Nam thời xưa. Bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương, đã mô tả việc đánh cờ tướng một cách đặc sắc trong bài thơ "Đánh cờ": "Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa/Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên/Hai xe hà, chàng gác hai bên/Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ".
Thậm chí, khi du nhập vào Việt Nam, cờ tướng còn trở thành trò chơi dân gian cờ người diễn ra trong các dịp lễ Tết, trong đó người đóng thế các quân cờ. Các nam thanh nữ tú sẽ đóng vai những quân cờ ở trên sân. Mỗi người trong đội cờ cầm một chiếc trượng có gắn biểu tượng quân cờ được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Cờ người còn có người thứ 33 là Tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu cờ.
Cờ tướng Việt Nam khẳng định vị thế
Tờ Sina khẳng định rằng khi môn cờ tướng được đưa vào lần đầu tiên ở Asian Games (2010), đối thủ khó chịu nhất với các kỳ thủ Trung Quốc chính là Nguyễn Thành Bảo của Việt Nam. Ở giải đấu đó, đoàn thể thao Trung Quốc có Hong Zhi giành HCV còn Lu Qin giành HCĐ, còn Thành Bảo của Việt Nam đoạt HCB.
Từ đó tới nay, các kỳ thủ của Việt Nam không ngừng tiến bộ. Ở ASIAD 2023 vừa qua, các kỳ thủ của Việt Nam thi đấu ấn tượng và gây khó khăn cho những VĐV chủ nhà Trung Quốc. Lại Lý Huynh giành HCĐ ở các nội dung đơn nam. Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam còn đoạt HCB ở nội dung cờ tiêu chuẩn đồng đội hỗn hợp nam nữ.
Không ngạc nhiên khi chủ nhà Trung Quốc giành HCV nhưng chính các kỳ thủ của họ đánh giá rất cao các VĐV của Việt Nam. "Với sự phát triển của cờ tướng ở nước ngoài, ngày càng có nhiều VĐV xuất hiện và các kỳ thủ Trung Quốc đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt. Hai thành viên của đội tuyển Việt Nam thậm chí đã thi đấu ở giải cờ tướng quốc gia của Trung Quốc. Zheng Weitong (người giành HCV đơn nam cờ tướng ở ASIAD 2023) phát biểu: "Các kỳ thủ nước ngoài đã tiến bộ vượt bậc và tôi đã bị đẩy vào tình thế khó khăn ở những thời điểm mà tôi không thể phạm sai lầm nào. Ngay cả một trận hòa cũng sẽ khiến tôi bị loại khỏi trận chung kết. Tôi đã phải vượt qua 6 ván đấu trước khi vào chung kết", tờ Globaltimes viết.
Nguyễn Thành Bảo cũng là 1 trong 2 kỳ thủ cờ tướng của Việt Nam khiến báo chí Trung Quốc phải tốn giấy mực, người còn lại chính là Lại Lý Huynh.
Nguyễn Thành Bảo là kỳ thủ Việt Nam đầu tiên giành một chức vô địch cờ tướng ngay trên lãnh thổ Trung Quốc khi vô địch giải trẻ châu Á năm 1998 tại Giang Tô. Anh khiến nhiều người yêu cờ của Việt Nam và Trung Quốc tiếc nuối khi bất ngờ rút lui khỏi làng cờ vào năm 2014. Tuy nhiên sau này, Thành Bảo đã trở lại.
Trong khi đó, Lại Lý Huynh đã khiến giới cờ tướng Trung Quốc chú ý khi anh được mời chơi cho đội cờ tướng chuyên nghiệp Hàng Châu. Thời điểm ấy, Lại Lý Huynh là ngoại binh đầu tiên xuất hiện ở giải cờ tướng Trung Quốc. Tờ Sina cho rằng việc một kỳ thủ nước ngoài như Lại Lý Huynh xuất hiện là điều chưa từng có trước đó.
Chính kỳ thủ nổi tiếng của Trung Quốc, Xu Yinchuan (Hứa Ngân Xuyên) đã giới thiệu Lại Lý Huynh cho đội cờ chuyên nghiệp của Tập đoàn Hàng Châu vào năm 2014. Hứa Ngân Xuyên đánh giá cao tài năng của Lại Lý Huynh.
Một trong những nguyên nhân giúp Lại Lý Huynh giành được thành công, đó là do kỳ thủ này được thi đấu rất nhiều với những VĐV của Trung Quốc ở giải đấu tại nước này. Tháng 8 năm nay, tờ Sohu của Trung Quốc bày tỏ sự ấn tượng với thành tích của Lại Lý Huynh và Nguyễn Thành Bảo ở giải cờ nước này (giáp cấp liên tái). Trong đó, Lại Lý Huynh chơi cho đội Hàng Châu đã giành được 6 trận thắng và 6 trận hòa.
Khi mà phong trào cờ tướng của Việt Nam ngày càng phát triển, người hâm mộ cờ tướng Việt Nam hy vọng sẽ có thêm những kỳ thủ mới tiếp bước Nguyễn Thành Bảo và Lại Lý Huynh để gặt hái thành công trên đấu trường quốc tế.
Trong khi đó, HLV Ma Tianyue của đội cờ vua Hàng Châu nhận định rằng các kỳ thủ Việt Nam có lối chơi xông xáo, thích tấn công. So với phong cách của các kỳ thủ Trung Quốc, các kỳ thủ Việt Nam yếu thế hơn đôi chút ở khâu dàn trận nhưng ở giữa trận, họ tỏ ra quyết liệt và có lối chơi mang tính nghệ thuật hơn.
"Trình độ cờ tướng của Việt Nam có mạnh không? Câu trả lời là có. Ở các giải cờ tướng châu lục, kỳ thủ Việt Nam có khả năng cao giành được vị trí á quân ở các nội dung đồng đội và cá nhân. Tuyển cờ tướng Việt Nam nhỉnh hơn một chút so với Singapore, Malaysia... Những năm gần đây, cờ tướng Việt Nam đã cạnh tranh với Trung Quốc và giành chức vô địch ở các nội dung thi đấu cá nhân nữ và giải vô địch trẻ châu Á", Sina viết khi xuất hiện thông tin Lại Lý Huynh (ảnh) gia nhập đội cờ tướng Hàng Châu.
Những nhận định này là hoàn toàn chính xác. Tại giải cờ tướng trẻ châu Á mở rộng 2018, Đoàn Việt nam giành hơn nửa số huy chương của giải (17 HCV, 22 HCB, 25 HCĐ). Tại SEA Games 32, Việt Nam giành 2 HCV ở cờ tướng với Lại Lý Huynh (đơn nam) và đồng đội nam cờ tướng nhanh. Chiếc HCV cờ tướng thế giới mới nhất của Lại Lý Huynh càng khẳng định vị thế của cờ tướng Việt Nam.
Sơn Tùng (tổng hợp)