Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu lo ngại về biến thể Mu
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/9, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết biến thể Mu có thể là biến thể đáng lo ngại mặc dù đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể này có thể vượt biến thể Delta, vốn là nguyên nhân chủ yếu gây ra làn sóng COVID-19 hiện nay trên thế giới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri cho biết EMA đang tập trung chủ yếu vào biến thể Delta, song cũng lưu ý tìm hiểu các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 như biến thể Lambda được phát hiện ở Peru và gần đây là biến thể Mu. Ông nhận định: “Biến thể Mu có thể đáng lo ngại hơn bởi có khả năng cao tránh được miễn dịch”. Ông cho biết thêm EMA sẽ thảo luận với các hãng bào chế vaccine ngừa COVID-19 về tính hiệu quả của các loại vaccine hiện nay trong phòng chống biến thể Mu.
Đầu tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại biến thể Mu là “biến thể đáng quan tâm”. Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vaccine, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn. Mu lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1 và được biết tới là biến thể B.1.621.
Tất cả các virus, gồm cả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đều biến đổi theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến các đặc tính của virus. Tuy nhiên, một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, khả năng kháng vaccine và thuốc điều trị.
- Tổng thống Mỹ chuẩn bị công bố chiến lược chống biến thể Delta
- Biến thể Delta không gây bệnh nặng ở trẻ em
Hiện WHO phân loại 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 ở mức “đáng lo ngại,” trong đó có biến thể Alpha xuất hiện ở 193 quốc gia, vùng lãnh thổ và biến thể Delta xuất hiện ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Có 5 biến thể, gồm biến thể Mu, đang được theo dõi. Sau khi bùng phát ở Colombia hồi đầu năm, biến thể Mu đã lan sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ và châu Âu. WHO cho biết biến thể Mu chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở Colombia, tỷ lệ này là 39%.
Minh Châu - TTXVN