Cơ hội gia tăng sức hút đối với di sản Vịnh Hạ Long trong tương lai
Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với các giá trị ngoại hạng toàn cầu về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo.
Các chuyên gia cũng nhận định, đánh giá cao về tiềm năng giá trị văn hóa - lịch sử của di sản. Trong các hoạt động tiếp xúc bên lề kỳ họp lần thứ 46 của Uỷ ban Di sản thế giới (tháng 7/2024), nhiều chuyên gia của Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) đã đề nghị tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất UNESCO xét, ghi danh giá trị văn hoá của Vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản thế giới. Đây là cơ hội để di sản tiếp tục được vinh danh, gia tăng sức hút đối với di sản trong tương lai.
Nối tiếp 3 nền văn hoá Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long
Theo các tài liệu nghiên cứu sơ bộ ban đầu, khu vực Vịnh Hạ Long được xác định là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ. Dấu tích sớm nhất của con người có mặt tại đây thuộc về chủ nhân nền văn hoá Soi Nhụ (niên đại từ 18.000-7.000 năm cách ngày nay), tiếp đến là nền văn hoá Cái Bèo (niên đại từ 7.000-5.000 năm cách ngày nay) và sau cùng là văn hoá Hạ Long (niên đại từ 5.000-3.500 năm cách ngày nay).
Cụ thể, các nhà khảo cổ học Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo từng cho rằng trong một khoảng không gian trên dưới 2.000km2… của khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long hiện nay, vào thời kỳ Hoà Bình, Bắc Sơn đã tồn tại một cộng đồng cư dân tiền sử lớn. Họ tụ cư trong các hang động đá vôi trên một địa bàn hoàn toàn độc lập so với cư dân Hoà Bình, Bắc Sơn và đã sáng tạo ra một nền văn hoá song song tồn tại với các văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn. Đó là nền văn hoá Soi Nhụ.
Nối tiếp đó là đến thời văn hoá Cái Bèo, nền văn hoá này đã đánh dấu việc mở đầu phân vùng kinh tế tiền sử Việt Nam. Theo những diễn tiến lịch sử, vào thời hậu kỳ đá mới, chính trong vùng biển đảo Đông Bắc đã hình thành nền văn hoá biển Hạ Long phát triển rực rỡ. GS. Hà Văn Tấn từng nhận định: Văn hoá Hạ Long có nguồn gốc bản địa nhưng có nhiều yếu tố cấu thành nên văn hoá này, kể cả những đặc trưng nổi bật của nó cũng có thể là kết quả của sự giao lưu, trao đổi với các nền văn hoá khác, đặc biệt ở giai đoạn muộn của nó. Và chính điều này làm thành một đặc trưng độc đáo của văn hoá Hạ Long, một nền văn hoá ở vào cửa ngõ của nền văn minh Việt cổ cả về không gian lẫn thời gian.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tham luận tại hội thảo “Nhận diện, đánh giá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo trên Vịnh Hạ Long” diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua tại TP Hạ Long, đã cho rằng, chủ nhân văn hoá Hạ Long thông qua các tuyến giao thương và chuỗi đảo, đã có nhiều mối giao lưu mật thiết, tương đối rộng lớn với cả khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Sống gần biển và trên các hang động của biển đảo, người Hạ Long chủ yếu làm nghề khai thác biển, đánh bắt thuỷ, hải sản, đồng thời họ cũng biết chế tác công cụ bằng đá, xương và gỗ… Các nguồn tư liệu cũng cho thấy, cư dân biển Hạ Long và vùng biển đảo Đông Bắc luôn hiểu rõ thời điểm của các mùa vụ đánh bắt hải sản, luồng di cư của các bầy cá; địa bàn phân bố, mùa sinh trưởng, mùa khai thác các loài động vật thuỷ sinh…
Cư dân vùng Hạ Long - biển đảo Đông Bắc có hệ tri thức về biển chuyên sâu, phong phú. Họ am hiểu chế độ gió mùa; quy luật thuỷ triều và các luồng lạch trên biển; về thuyền và kỹ thuật đóng thuyền; về các vùng, luồng cá và thời gian đánh bắt cá, làm muối; về các phương thức chế biến thuỷ hải sản và văn hoá ẩm thực biển; về đời sống tâm lý, tâm linh của cư dân biển và hệ thống di tích đền, miếu thờ các vị thần biển; về dòng văn hoá biển (thi ca, hò vè, hát đối trên biển…); về các mối quan hệ xã hội và ứng đối của con người với biển khơi… Đó là các di sản văn hoá biển tiêu biểu của Hạ Long - vịnh Bắc Bộ được hình thành sớm trong lịch sử và không ngừng được bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ…
Xu hướng phát triển kinh tế biển xanh, du lịch, dịch vụ biển
Vịnh Hạ Long và vùng phụ cận cũng là nơi ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử - văn hoá nổi tiếng của dân tộc, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ cận hiện đại. Với vị trí chiến lược quan trọng, ngay từ thế kỷ XII (1149), dưới triều vua Lý Anh Tông, thương cảng Vân Đồn đã được thành lập trong khu vực Vịnh Hạ Long. Thương cảng đã duy trì vị trí của một trung tâm kinh tế đối ngoại, bang giao trong suốt 7 thế kỷ…
GS.TS Nguyễn Văn Kim khẳng định, từ một cái nhìn lịch sử về văn hóa Vịnh Hạ Long, vùng biển đảo Đông Bắc, có thể liên tưởng đến 4 hình ảnh gắn với 4 giai đoạn phát triển căn bản của không gian lịch sử, văn hóa dân tộc. Trong đó, văn hóa biển Hạ Long từ thế kỷ XIX đến nay đã diễn ra nhiều thăng trầm, biến đổi; đang được phát huy theo hướng kinh tế biển xanh, du lịch, dịch vụ biển, công nghiệp văn hóa biển.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, thì sự tương tác giữa môi trường và văn hoá biển là khởi nguồn của những giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo trên Vịnh Hạ Long. Đó là các giá trị trong văn hoá sinh kế, văn hoá sinh hoạt, văn hoá sinh thái, văn hoá nghệ thuật và văn hoá tâm linh.
Đơn cử, giá trị văn hoá nghệ thuật thể hiện ở chỗ, vùng biển đảo Đông Bắc Bộ là nơi đậm đặc các huyền thoại, truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc của vùng biển, vùng đất, các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hoá, danh lam thắng cảnh… Các bài ca dao, tục ngữ, thành ngữ phản ánh đời sống thường nhật của người dân luôn đa dạng, muôn màu, muôn vẻ và không kém phần hấp dẫn so với văn chương bác học. Đó là “túi khôn” dân gian vô cùng uyên bác, tinh tường, đầy ắp trí tuệ đồng thời rất thiết thực, hữu dụng, được đúc kết từ kinh nghiệm sống, lối đối nhân xử thế, cách ứng xử với thiên nhiên, cách thức sinh hoạt, làm lụng, yêu đương và cả phương cách giữ gìn sức khoẻ, phòng, chữa bệnh…
Vùng biển đảo Vịnh Hạ Long còn rất nổi tiếng với những làn điệu dân ca và diễn xướng dân gian trữ tình, đặc sắc. Đó là các thể loại hát chèo đường, hò biển, hát đúm, đám cưới trên thuyền… thể hiện rất rõ đặc trưng văn hoá riêng của khu vực này, khác hẳn với các khu vực biển đảo khác ở Việt Nam.
Người dân biển nơi đây sống trong môi trường biển cả luôn phải đương đầu với những bất trắc, hiểm nguy, thiên tai khó lường, niềm tin tâm linh là chỗ dựa tinh thần, là điểm tựa tâm lý quan trọng đối với người dân. Trong đó, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến nhất. Bên cạnh đó, các tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ thuỷ thần, hải thần, thờ Mẫu và các nữ thần liên quan đến biển đều phát triển. Họ cũng phối thờ các vị thần núi, thờ Phật, thờ Chúa…
Sự dung hợp rộng các loại thần, thánh khác nhau bên cạnh mục đích tìm điểm tựa tâm lý, cầu mong phù hộ che chở thì hoạt động thực hành tín ngưỡng còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân những người có công với dân với nước, các tiền nhân đã khai phá lập làng, gia tăng tính cố kết cộng đồng… Đây là những giá trị tốt đẹp, là phương diện tích cực cần được quan tâm giữ gìn và phát huy trong bối cảnh đương đại.
GS.TS Từ Thị Loan khẳng định, Vịnh Hạ Long bên cạnh những giá trị về thẩm mỹ, địa chất, địa mạo, còn là nơi sản sinh, lưu giữ và trao truyền nhiều giá trị văn hoá đặc sắc. Đó chính là cái hồn cốt, khí chất, nét đặc trưng riêng tạo nên sức hút, sức hấp dẫn du khách đến trải nghiệm, tìm hiểu văn hoá nơi đây. Hiện nay, một số hoạt động sinh kế, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian, văn hoá ẩm thực ở các làng chài đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch độc đáo tại khu vực Vịnh Hạ Long, thế mạnh hấp dẫn du khách, tạo công ăn việc làm, nguồn thu cho người dân.
Tuy nhiên, bà khuyến cáo chúng ta nếu chỉ chú trọng khai thác giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan của di sản thiên nhiên thì vô hình chung đã tự đánh mất một thế mạnh quan trọng khác là khai thác nguồn tài nguyên văn hoá phong phú nơi đây phục vụ cho phát triển KT-XH nói chung, du lịch nói riêng. Quảng Ninh nên học hỏi kinh nghiệm của Ninh Bình trong việc làm hồ sơ trình UNESCO về Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp, bao gồm cả di sản văn hoá và thiên nhiên. Như vậy sẽ tiếp tục nâng tầm cho di sản Vịnh Hạ Long trên bản đồ du lịch thế giới.
Bà gợi mở, với những giá trị văn hoá độc đáo nêu trên, Vịnh Hạ Long có thể đăng ký hồ sơ theo tiêu chí (v): Là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hoá, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường, đặc biệt là khi nó dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của những thay đổi không thể đảo ngược.