Quảng Ninh giữ gìn không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm - Danh thắng tâm linh của người Việt
Không gian văn hoá Phật giáo Trúc Lâm có tính tổng hợp, bao quát, đa dạng, hình thành từ Yên Tử và bao trùm lên toàn bộ không gian di sản, ảnh hưởng đến các hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, đã và đang được TP Uông Bí, Quảng Ninh gìn giữ, phát huy mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Nhìn tổng thể, không gian Yên Tử tại Uông Bí là nơi phát tích một tông phái đạo Phật. PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, đánh giá: “Các ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ngoài chức năng của loại hình thiết chế tôn giáo thực chất còn là những bảo tàng sống động về văn hoá Phật giáo, mỹ thuật Phật giáo”.
Trong những năm qua, TP Uông Bí đã có nhiều giải pháp hiệu quả trùng tu, tôn tạo di tích nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với khai thác phát triển kinh tế, nhất là du lịch bền vững. Năm 1992, Ban Quản lý Di tích Yên Tử được thành lập và là một trong những di tích quốc gia đầu tiên có Ban Quản lý. Việc thành phố cho thành lập Ban Quản lý cho thấy một tầm nhìn, một khát vọng phục hưng Yên Tử. Những công trình chùa Bảo Sái, Vân Tiêu, Hoa Yên, vườn tháp… lần lượt được trùng tu, tôn tạo.
Sau này, Ban đổi tên thành Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích. Ban Quản lý đã dập, dịch 101 văn bia, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ 803 hiện vật có giá trị văn hoá vật thể vô cùng phong phú, trong đó có 770 hiện vật đã được lập hồ sơ dưới dạng miêu tả, chụp ảnh, đánh số hiện vật.
Hơn 30 năm qua, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành 12 đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ học trong khu vực di tích, phát hiện nhiều di vật, tách lập được hệ thống bản vẽ mặt bằng của các điểm di tích, giúp giải mã nhiều vấn đề về khoa học, lịch sử, văn hoá liên quan đến danh nhân, di tích và không gian quy hoạch tổng thể khu di tích Yên Tử hiện tại và tương lai.
Cùng với đó, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử tiếp tục phối hợp thực hiện các công trình bảo tồn và phát huy giá trị Yên Tử, trong đó có việc tôn tạo chùa Bảo Sái, trùng tu chùa Một Mái, am Dược, am Hoa; tu bổ, chỉnh trang các tháp cổ, hồ Mắt Rồng tại khu vực vườn tháp Huệ Quang, sửa chữa chống thấm nhà trưng bày, bảo quản hiện vật cổ tại chùa Giải Oan, chùa Vân Tiêu, duy tu, bảo trì các công trình hạ tầng trong khu di tích Yên Tử.
Đặc biệt từ năm 2013, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá, phân cấp cho các địa phương thực hiện Quy hoạch tổng thể 3 khu di tích trọng điểm của tỉnh, TP Uông Bí đã tích cực tu bổ, phục dựng các công trình bị hư hại, xuống cấp. Uông Bí đã dừng khai thác than tại một số khai trường quan trọng của Công ty Than Nam Mẫu, hoàn nguyên và khoanh định Rừng quốc gia Yên Tử để bảo vệ.
Theo quan niệm ngày càng phát triển của di sản văn hóa thì những giá trị của Thiền phái Trúc Lâm ngày càng được bảo tồn, trùng tu và luôn được sáng tạo thêm, vì nhu cầu ngày càng cao của con người, trong cuộc sống luôn biến đổi theo xu hướng hiện đại. Cho đến nay, một số công trình mới cũng tạo ra những điểm nhấn trong không gian văn hoá Yên Tử. Đơn cử, như cây cầu đá và lầu gỗ trên suối Giải Oan tạo ra sự hài hoà với cảnh quan chung. Năm 2005, chùa Đồng được phục dựng và lập kỷ lục Việt Nam về chùa đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất và nằm ở độ cao nhất. Đặc biệt, pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên đỉnh non thiêng Yên Tử, cao đến 12,6m, đúc bằng 138 tấn đồng, là những bằng chứng về sự sáng tạo và biến đổi của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử theo dòng thời gian. Hay như Cung Trúc Lâm là công trình được thiết kế lấy cảm hứng từ các kiến trúc cổ còn sót lại ở Yên Tử.
Cách thức tiếp cận lễ hội Phật giáo ở non thiêng Yên Tử cũng có nhiều sáng tạo và đổi mới. Không dừng ở các lễ hội truyền thống, hiện nay, cộng đồng dân cư vừa bảo tồn những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống vừa cải biến, nâng cấp lễ hội thành một sinh hoạt văn hoá cộng đồng hiện đại, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ mới. Bên cạnh một lễ hội xuân truyền thống, mấy năm nay còn có lễ hội về miền đất Phật mùa thu theo dấu chân Phật hoàng, lễ hội mai vàng Yên Tử gắn với hoa anh đào Nhật Bản. Đó là sự sáng tạo đã được cộng đồng thừa nhận.
Tham luận tại hội thảo “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí” vừa diễn ra, GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, đánh giá: Trong những năm qua, Uông Bí và một số thành phố, địa phương khác của Quảng Ninh đã thực sự trở thành vùng đất hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa. Về văn hóa, Uông Bí nên tính sớm và thúc đẩy chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Rồi đây, nếu Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới thì tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của Uông Bí - Quảng Ninh là rất xa rộng, khả quan.
Trúc Lâm Yên Tử – Danh thắng tâm linh của người Việt
Trúc Lâm Yên Tử là một quần thể danh thắng rộng lớn với nhiều địa điểm tham quan. Trước khi lên Yên Tử bạn sẽ đi qua đền Trình, tạm dừng chân nghỉ ngơi chuẩn bị cho hành trình.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là một gian điện rộng lớn, nơi mà các sư thầy tu hanh, học kinh pháp nhà Phật. Nơi đây được ví như trường học của người tu hành, các vị sư được dạy đọc kinh, triết lý phật giáo, thuyết của thiền...
Truyền thuyết xưa kể lại, khi Thái thượng hoàng quyết định xuất gia đi tu các cung nữ phi tần của người đã hết sức khuyên ngăn. Vì không ngăn được để tỏ lòng trung họ đã rời cung chuyển lên gần chân núi để ở tiện bề chăm sóc và khuyên nhủ nhà vua. Nhà vua nhất quyết không xuất tục và đuổi các nàng về cung. Tình nghĩa phu phụ, ân nghĩa vua tôi quá nặng nên họ đã trẫm mình xuống dòng suối. Sau này người dân lập Cầu Giải Oan và Chùa Giải Oan để thờ phụng và tưởng nhớ tấm lòng thủy chung của các cung nữ, phi tần đó.
Còn rất nhiều địa điểm khác để bạn khám phá như: Chùa Hoa Yên, tháp Huệ Quang, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng. Chùa Đồng là ngôi chùa cao nhất Yên Tử, toàn bộ các bộ phận ngôi chùa này đều được đúc bằng đồng thau. Đi lên Trúc Lâm Yên Tử chinh phục được chùa Đồng bằng cách đi bộ là cả một kỳ tích. Nơi đây rất linh thiêng, mọi người thường đến để cầu tài lộc, sức khỏe, sự an lạc thịnh vượng.
Thời gian thích hợp nhất đi chùa Yên Tử lễ bái và vãn cảnh là khoảng tháng Giêng hàng năm. Vì đó là mùa lễ hội đầu xuân không khí tươi mới, cảnh vật tràn đầy sức sống, người dân nô nức đi trẩy hội.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh kết nối tạo liên thông với không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử.
Không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử với những giá trị đặc sắc, chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Nơi đây là một bộ phận không tách rời Khu du lịch tâm linh Đông Yên Tử - một địa điểm du lịch đã tạo dựng được những giá trị và thương hiệu đối với các du khách.
Nếu Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, lưu giữ xá lị thì Tây Yên Tử là con đường Hoằng dương Phật pháp của ngài. Con đường trước đây nhà vua đến đỉnh Yên Tử chính là từ phía Tây sang phía Đông.
Qua nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, không chỉ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII, nhiều nhà sư đã chọn con đường lên Yên Tử từ phía Tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo. Vì vậy, phía Tây Yên Tử xuất hiện hàng loạt công trình di tích lịch sử liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.