Có hay không một ngành 'công nghiệp golf' tại Việt Nam?
Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội "Trăm năm Golf Việt" được tổ chức tại Nha Trang – Khánh Hòa từ ngày 27/11, Hội thảo chuyên đề Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt dự kiến sẽ diễn ra với kỳ vọng sẽ mở ra được những gợi ý mới cho golf Việt Nam. Đây có lẽ là môn thể thao đầu tiên ở nước ta dùng đến khái niệm "công nghiệp" cho một môn chơi dù chưa có nhiều dấu ấn lớn trên trường quốc tế…
Chỉ cần search Google cụm từ "lợi thế golf ở Việt Nam" thì sẽ thấy vô vàn những điều kiện để môn chơi quý tộc này phát triển cả trên bình diện thể thao lẫn khả năng đóng góp vào tỷ trọng của nền kinh tế, nhất là ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nếu chỉ đơn thuần xét trên các khía cạnh thuận lợi, thì việc cho rằng Việt Nam có thể có "ngành công nghiệp golf" hẳn không quá lời.
Nhưng thực tế thì khác. Về khía cạnh kinh tế, mặc dù golf có tác động đáng kể đến du lịch Việt Nam nhưng số liệu cho biết chưa đến 0,5% trong tổng số 7 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam đi tour theo golf.
Trong khi đó, ở Thái Lan, con số này chiếm 8-9% lượng khách quốc tế. Đây là lượng khách rất quan trọng đối với nguồn thu du lịch do chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu du lịch. Thế nên, làm sao để con số này tăng lên là cả bài toán phức tạp, liên quan đến số lượng sân golf, chi phí hợp lý và khả năng tổ chức sự kiện. Có đủ những điều kiện đó, mới bàn đến cái gọi là "công nghiệp golf".
Ở góc độ khác, đến SEA Games 2023 vừa qua tại Campuchia, golf Việt Nam mới có chiếc HCV lịch sử cùng đội tuyển có tuổi đời trẻ nhất giải. Tuy nhiên, môn golf ở SEA Games chủ yếu là các VĐV bán chuyên tranh tài, không phải là đấu trường được những golf thủ chuyên nghiệp thực sự quan tâm. Riêng với khu vực Đông Nam Á, golf Thái Lan đã vươn đến tầm vóc châu Á và ở đây, cần phải hiểu là golf chuyên nghiệp, các VĐV nhà nghề chủ yếu tham gia các tour tiền thưởng.
Nghĩa là xét ở cả 2 góc độ: Một môn thể thao đỉnh cao và một hoạt động kinh tế thể thao, thì rất khó để nói Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp golf sớm. Ngoài các điều kiện thuận lợi mang tính khách quan từ tài nguyên có sẵn, thì golf Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu, rất cần thêm sự thúc đẩy toàn diện ở cả yếu tố thể thao chuyên nghiệp lẫn dịch vụ kinh doanh đi cùng du lịch.
Trên thực tế, với khoảng 100.000 người chơi golf thường xuyên và tăng 10% mỗi năm, thì đây vẫn là con số khiêm tốn để giúp cho golf trở thành một môn thể thao có thể phát triển mạnh tại Việt Nam. Tỷ trọng VĐV chuyên nghiệp trong số lượng người chơi quá ít, tính cạnh tranh khó cao.
Cản trở lớn nhất vẫn đến từ việc tiếp cận golf ở Việt Nam không dễ dàng. Nếu như ở Thái Lan, chỉ tính riêng vùng đô thị Bangkok đã có hơn 80 sân golf lớn nhỏ với các mức giá khác nhau có thể tạo điều kiện cho nhiều giới được tiếp cận với môn thể thao có tiếng là "quý tộc" này. Ở Thái Lan, một người có thể trở thành một người chơi golf chuyên nghiệp ở tuổi 15, trong khi độ tuổi để các golfer Việt chuyển sang chuyên nghiệp là 18.
Số lượng người chơi có đông, thì mới hình thành được thị trường kinh doanh các sản phẩm, và quan trọng hơn đó là điều kiện để hình thành những giải đấu chuyên nghiệp thường xuyên, tạo ra được các thế hệ các golf thủ tiếp nối nhau.
Nói cách khác, như phần lớn các môn thể thao nhà nghề, việc có hay không một "ngành công nghiệp" vẫn phải đến từ nền tảng thể thao thành tích cao. Nên nếu nói ở Việt Nam có một môn tiệm cận được khái niệm này, có lẽ mới có marathon với phong trào nở rộ hiện nay.