CLB Hà Nội ở AFC Cup 2019: Cột mốc lịch sử hay mới chỉ là sự khởi đầu?
(Thethaovanhoa.vn) - Nỗ lực của CLB Hà Nội ở AFC Cup 2019 là rất đáng ghi nhận và khen ngợi. Tuy nhiên, việc đánh giá không chính xác hoặc đẩy lên quá cao thành tích ở một giải đấu cụ thể có thể khiến đội bóng của bầu Hiển cũng như bóng đá Việt Nam chệch hướng.
Với việc đánh bại Altyn Asyr (Turkmenistan) 5-4 sau 2 lượt trận, CLB Hà Nội đã giành quyền vào chơi trận chung kết liên khu vực AFC Cup 2019 với CLB 25-4 của CHDCND Triều Tiên. Đây thực sự là nỗ lực lớn của CLB Hà Nội trong bối cảnh các trụ cột của họ phải trải qua lịch thi đấu dày đặc ở mùa giải năm nay.
Quang Hải, theo thống kê, đã chơi 43 trận ở các cấp độ khác nhau. Duy Mạnh, Văn Hậu, Hùng Dũng hay Đức Huy cũng phải căng sức, từ ĐTQG tới V-League, Cúp Quốc gia và cả AFC Cup. Mặc dù vậy, nếu vội vàng nói về một chương mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam cấp độ CLB thì sẽ là một sự vội vàng, thậm chí không chính xác. Điều đó có thể dẫn tới sự chệch hướng không chỉ với CLB Hà Nội mà cả bóng đá Việt Nam khi chúng ta đánh giá không đúng thực lực cũng như hiện trạng nền bóng đá.
Từ năm 2017, AFC bắt đầu thay đổi thể thức thi đấu của AFC Cup với mục tiêu tạo cơ hội cho các đội bóng thuộc khu vực “vùng trũng” Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể theo thể thức cũ, các CLB sẽ thi đấu vòng bảng, vòng 16 đội, tứ kết, bán kết và chung kết, bất kể vùng miền.
Thể thức này khiến các đội rất tốn chi phí di chuyển, đồng thời những đội bóng ở “vùng trũng” khó có cơ hội tiến xa khi đụng phải những đối thủ mạnh ở châu lục.
Điều này khiến cho trong một thời gian dài, các CLB Việt Nam thường chọn cách “buông” đấu trường châu lục để tập trung cho V-League. Đấy là chưa kể, nhiều đội do không mặn mà thành tích, các cầu thủ còn tranh thủ “làm thêm”, tiêu cực phát sinh. The Vissai Ninh Bình từng có một loạt cầu thủ tham gia bán độ ở giải đấu năm 2014 là ví dụ.
Theo thể thức mới, AFC Cup được chia làm 5 khu vực: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Tây Á, Trung Á và Nam Á. Các đội thuộc khu vực nào sẽ chung bảng ở khu vực đó. Cách làm này giúp các CLB giảm chi phí di chuyển, tăng cơ hội tiến sâu.
AFC Cup 2019 khu vực Đông Nam Á cũng vắng những đội bóng mạnh nhất đến từ Thái Lan hay Malaysia. CLB Hà Nội và Bình Dương vì vậy trở thành những ứng viên lớn. Thế nên không ngạc nhiên khi 2 đại diện Việt Nam rốt cuộc gặp nhau ở trận “chung kết” khu vực Đông Nam Á, với phần thắng thuộc về đội bóng của bầu Hiển.
Trước đó, Quang Hải và các đồng đội chỉ phải đụng những đội bóng đến từ Philippines, Singapore hay Campuchia, vốn có thứ hạng thấp hơn đội tuyển Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA. Dù bảng xếp hạng FIFA không phản ánh giá trị tuyệt đối thực lực của một ĐTQG, nhưng vẫn chính xác ở mức tương đối.
Trên thực tế, thành tích của CLB Hà Nội hiện tại chỉ tương đương việc vào tới bán kết, như thành tích của Bình Dương năm 2009. Tuy nhiên xét về độ khó như ở trên đã nói, giới chuyên môn thậm chí đánh giá kết quả của Bình Dương cao hơn so với CLB Hà Nội. Tại tứ kết, Bình Dương đã đánh bại đội bóng rất mạnh Chonburi của Thái Lan, thời điểm trên do HLV Kiatisuk dẫn dắt.
Trong khi đó đối thủ ở “tứ kết” của Hà Nội mới đây, Altyn Asyr, chỉ đến từ Turkmenistan, có ĐTQG đứng vị trí 132 trên bảng xếp hạng FIFA, thua Việt Nam tới 32 bậc.
AFC Cup chỉ được xem là giải đấu “cấp 2”, và thực ra mục tiêu lớn nhất Hà Nội hướng tới ở mùa giải năm nay là AFC Champions League, giải đấu thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm phải dừng chân sau khi để thua đậm Sơn Đông Lỗ Năng (Trung Quốc) tới 1-4. Không phải ngẫu nhiên bầu Hiển treo thưởng tới 4 tỷ đồng cho CLB Hà Nội ở trận đấu này, trong khi với thành tích vào bán kết AFC Cup 2019, Quang Hải và các đồng đội chưa thấy “tín hiệu” nào phát đi từ phía ông chủ đội bóng.
Dẫu sao, những nỗ lực và quyết tâm của CLB Hà Nội ở AFC Cup 2019 vẫn rất đáng nhận được sự ủng hộ. Nếu tiếp tục đánh bại 25-4 của Triều Tiên, họ chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng từ bầu Hiển, người luôn biết “rót” tiền của mình vào đâu và vì điều gì, chính xác tới từng đồng.
A Chính